Thứ trưởng Cao Quốc Hưng:"Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có sự quan tâm rất lớn đến cổ phần hóa Sabeco" |
Việc CPH các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay nhìn chung chậm, nhưng ở các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, quá trình này hiện được thực hiện như thế nào, thưa ông?
-Trong năm 2017, Bộ Công Thương vẫn đẩy mạnh quá trình CPH. Trong năm qua, Bộ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các đề án sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN trong khối của mình. Chúng tôi đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu, sắp xếp, CPH các tập đoàn, DN lớn: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than Khoáng sản...và các đơn vị liên quan.
Theo kế hoạch, hiện này chúng tôi vẫn đang tích cực triển khai CPH các DN lớn khác trong ngành như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), PV Oil, Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, một số đơn vị thuộc Tập đoàn dệt may. Hiện đã công bố giá trị PV oil, PV Power, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn..., đã đề nghị Chính phủ phê duyệt phương án CPH các Tcty này. Đây là các DN có giá trị vốn hóa rất cao.
Bộ cũng đã và đang xác định giá trị DN một số DN lớn như Tổng công ty Thuốc lá....
Tổng công ty Giấy cũng đã hoàn thành phương án CPH trình Chính phủ nhưng cũng phải xư lý ở Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Về thoái vốn, tại thời điểm này, ngành Công Thương đang tích cực đẩy mạnh quá trình thoái vốn tại các DN như: Tổng công ty Cổ phần rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Cổ phần rượu bia và nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tcty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM). Hiện Veam đã trình phương án thoái vốn. Sabeco, Habeco...cũng đã trình. Một số Tổng công ty khác cũng đang xây dựng phương án thoái vốn.
Ông có thể cho biết phương án thoái vốn cụ thể tại Sabeco không? Được biết, Bộ trưởng Công Thương cũng đã ban hành quyết định về phương án thoái vốn, ông có thể cho biết cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Tổng công ty này, Nhà nước sẽ giữ lại tỷ lệ sở hữu bao nhiêu phần trăm?
-Phương án thoái vốn tại Sabeco đã có nhưng quyết định trên hiện là văn bản mật. Những thông tin cụ thể về số lượng cổ phiếu bán ra, giá, tỷ lệ cổ phần nhà nước được giữ lại ...sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.
Sabeco là doanh nghiệp có lượng vốn hóa tương đối lớn nên việc thoái vốn, CPH phải có lộ trình từng bước để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước và cho nhà đầu tư. Việc thoái vốn cũng phải tính đến khả năng hấp thụ của thị trường, có tính đến lợi cho cho người lao động, giữ thương hiệu cho doanh nghiệp...Trên tất cả các yêu tố này sẽ xác định lộ trình thoái vốn cụ thể. Và quá trình thoái vốn sẽ đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch.
Hiện nay, Sabeco đã và đang tổ chức các buổi Road Show để công bố thông tin về quá trình CPH. Ông đánh giá hiệu quả việc này thế nào?
-Hôm nay (28/11) có tổ chức 1 cuộc ở London, trước đó đã tổ chức tại Singapore, ngày 29/11 sẽ làm ở TPHCM. Thông qua các cuộc này đã cung cấp thông tin cơ bản cho nhà đầu tư về tình hình tài chính, định hướng phát triển sản xuất...của Sabeco. Mỗi nhà đầu tư có mối quan tâm khác nhau. Thì ngoài thông tin cơ bản, cũng sẽ có các phiên họp riêng cho các nhà đầu tư, ở đó, họ có thể đặt ra các câu hỏi và Sabeco trả lời đầy đủ theo sự quan tâm của họ. Các nhà đầu tư lớn, các quỹ...cũng có những phiên họp riêng để trả lời chi tiết hơn.
Như tôi biết, cuộc Road Show ở Singapore: Đã có nhiều nhà đầu tư lẻ, các quỹ đầu tư, các hãng đồ uống...Có Quỹ có số vốn rất lớn, trên 1000 tỷ USD. Họ thể hiện sự quan tâm lớn. Tại các cuộc này, họ đặt câu hỏi rất nhiều, thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao. Tuy nhiên, Road Show cũng mới là bước đầu. Sau các phiên họp đó người ta sẽ đánh giá lại và có bước đi tiếp theo.
Sabeco có vốn hóa rất lớn nên sự tham gia cua các nhà đầu tư lớn là rất quan trọng. Hiện, tỷ lệ lệ vốn hóa của Tổng công ty này là 205 ngàn tỷ đồng, tức là khoảng 9 tỷ USD nên cần có các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, cũng cần nói là cũng có những hạn chế như quy định hiện nay, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì không được quá 49% . Còn trong nước thì tỷ lệ tham gia cũng không được vượt quá tỷ lệ được cho là thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh.
Vì sao phải nhờ tới cả Bộ Công an để giám sát quá trình CPH Sabeco?
-Không chỉ có Bộ Công an, mà chúng tôi cũng cần các cơ quan liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham gia giám sát chặt chẽ để không để xảy ra sai sót, vi phạm gì hay có hành vi thao túng trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa Sabeco. Việc giám sát chặt chẽ các diễn biến đó cũng nhằm đảm bảo cho quá trình thoái vốn diễn ra theo quy luật thị trường, đúng quy định pháp luật. Đây là một công việc bình thường để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Còn tại Habeco thì sao, thưa ông, hiện nay kết quả đàm phán với Calsberg và các nhà đầu tư nước ngoài khác có quan tâm thế nào?
-Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đàm phán. Habeco đã kết thúc đàm phán sơ bộ với Calsberg nhưng quá trình này vẫn tiếp tục nhưng cũng có định hướng thoái vốn, trình Chính phủ sớm.
Với các nhà đàm phán khác ngoài Calsberg cũng vậy thôi, vẫn phải làm sao đảm bảo công khai, thuận lợi cho nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích nhà nước, doanh nghiệp. Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Habeco cũng là Tổng công ty lớn nhưng cũng không giống như Sabeco nên phương án thoái vốn cũng khác nhau và cũng phải tính đến khả năng hấp thụ của thị trường. Với DN này, Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện phương án để trình Chính phủ.
Tác giả: Mạnh Quân
Nguồn tin: Báo Dân trí