Kinh tế

Vi phạm thuế, Điện máy Nguyễn Kim phải nộp gần 150 tỉ đồng

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM Nguyễn Nam Bình vừa ký Quyết định 3506/QĐ-CT xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim (Điện máy Nguyễn Kim), địa chỉ 63-65-67 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM.

Quyết định này được Cục Thuế ban hành trên cơ sở thanh tra Điện máy Nguyễn Kim theo quyết định thanh tra ký ngày 6-4, sau đó gia hạn đến ngày 28-5. Qua thanh tra, Điện máy Nguyễn Kim đã bị Cục Thuế TP truy thu thuế thu nhập cá nhân hơn 104 tỉ đồng, phạt hơn 19 tỉ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24 tỉ đồng. Tổng cộng, Điện máy Nguyễn Kim phải nộp ngân sách gần 150 tỉ đồng.

Việc truy thu thuế thu nhập cá nhân này liên quan đến việc kê khai lương nhân viên của Điện máy Nguyễn Kim. Hơn chục năm qua, năm nào nhân viên cũng ủy quyền cho công ty quyết toán thuế đầy đủ nhưng Điện máy Nguyễn Kim đã chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để trốn thuế. Chẳng hạn, chức danh trưởng bộ phận thực lãnh 50 triệu đồng/tháng nhưng Điện máy Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng/tháng, số tiền chênh lệch 38 triệu đồng sẽ được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch được miễn thuế). Tương tự, các khoản tiền thưởng hằng quý, hằng năm cũng được chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch.

Nguyễn Kim là trung tâm điện máy có doanh thu lớn Ảnh: TẤN THẠNH

Điện máy Nguyễn Kim đã bán cổ phần cho Central Group (Thái Lan). Hành vi trốn thuế này kéo dài từ trước khi bán cổ phần cho Central Group đến khi bị cơ quan thuế thanh tra.

Một số nhân viên của Điện máy Nguyễn Kim đang tiếp tục khiếu nại vì cho rằng việc thanh tra, truy thu thuế của cơ quan thuế vẫn chưa đầy đủ, do từ đầu năm 2014, công ty này đã ra quyết định thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu được quy đổi là 50.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) nhưng vẫn không khai thuế.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim, cho rằng công ty chưa đồng ý và đang làm việc với cơ quan thuế về quyết định trên. "Vụ việc này cũng bình thường trong hoạt động kinh doanh, nếu cơ quan thuế nghi ngờ thì họ làm thôi. Cơ quan thuế thông báo là một chuyện nhưng công ty chưa đồng ý và cũng đang làm việc lại với họ về việc này" - ông Kim nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ quan thuế thanh tra việc Điện máy Nguyễn Kim kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên trong 6 năm (2012-2016).

Trước đó, vào tháng 10-2017, một nhân viên của Điện máy Nguyễn Kim gửi đơn đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, phản ánh công ty này cho nhân viên thôi việc không đúng quy định pháp luật và có hành vi trốn thuế.

Về chiêu thức "né" thuế thu nhập cá nhân, một cán bộ thanh tra của ngành thuế giải thích doanh nghiệp (DN) thường không đưa khoản thu nhập từ tiền tăng ca, tiền làm thêm giờ vào thu nhập tính thuế của người lao động. Tuy đây chỉ là khoản thu nhập nhỏ nhưng nếu một DN có số lượng lớn nhân viên, thường xuyên tăng ca, làm thêm 2-3 giờ/ngày với mức thu nhập tăng thêm vài chục ngàn đến 100.000 đồng/ngày nhưng DN không kê khai các khoản thu nhập tăng thêm này trong nhiều năm thì đó là một khoản chịu thuế lớn, có thể chiếm tới 20%-30% tiền lương mà DN chi trả cho nhân viên. Mặt khác, do thuế thu nhập cá nhân quy định cá nhân có thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng mới tính thuế. Như thế, khi DN không đưa tiền tăng ca, làm thêm vào thu nhập của người lao động thì thu nhập của người đó có thể dưới 9 triệu đồng và không phải nộp thuế.

"Thậm chí, có trường hợp DN thỏa thuận chi trả tiền công cho người lao động 20 triệu đồng/tháng nhưng chỉ ký hợp đồng mức lương 10 triệu đồng/tháng. Sau đó, DN đưa số tiền phải chi trả còn lại vào khoản thu nhập từ tăng ca, làm thêm giờ và không kê khai để qua mặt được cơ quan thuế" - cán bộ thanh tra này nói.

Những người trong ngành thuế cho rằng có thể DN đã hạch toán các khoản chi trả thu nhập làm thêm cho nhiều nhân viên để làm tăng chi phí hoạt động, giảm thuế thu nhập DN. Do DN đã nhận ủy quyền kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên nên khi xác định DN có gian lận về thuế thì theo quy định pháp luật, cơ quan thuế có quyền xử phạt và truy thu thuế từ chủ DN

Tác giả: Thanh Nhân - Thy Thơ - Nguyễn Hải

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP