Thi công đúng bản vẽ
65km cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn TP Tam Kỳ (Quảng Nam) mới đưa vào sử dụng từ đầu tháng 8, qua các đợt mưa lũ đã bị sạt lở mái taluy, nhiều đoạn lòi cả móng chân trụ của tường hộ lan can mềm, dù tổng mức đầu tư lên đến trên 1,6 tỉ USD (tương đương khoảng 34.500 tỉ đồng).
Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (EPMU Da Nang - Quang Ngai, thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) khẳng định nhà thầu đã thi công theo đúng bản vẽ đã được phê duyệt.
Theo cơ quan này, đoạn Km20+480 – Km20+650 địa chất khi thi công cơ bản đúng với kết quả khoan địa chất, nền đào đá bên phải tương đối ổn định, đoạn bên trái có thay đổi cục bộ với hồ sơ, xuất hiện nhiều lớp xen kẹp, bị phong hoá mạnh, đặc biệt lớp đá phong hoá hoàn toàn màu đen khi bị ảnh hưởng bởi nước ngầm và nước mặt sẽ bở rời rạc, giảm lực ma sát trong, gây mất ổn định mái dốc.
Sạt lở đất, đá tại nhiều điểm trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Ngoài ra do địa chất khu vực này chủ yếu là cát kết, liên kết kém, đá bị phong hoá mạnh và có nhiều vết nứt nhỏ, làm tăng khả năng nứt to và phá vỡ liên kết khi gặp nước dẫn đến sụt trượt.
“VEC đã xin Bộ GTVT chủ trương thay đổi biện pháp xử lý từ dạng khung sang dạng phun BT kết hợp neo và lưới thép, đã được Bộ chấp thuận và nhà thầu đã thực hiện xong bên phải”, EPMU Da Nang - Quang Ngai cho hay.
Tuy nhiên bên trái tiếp tục bị sạt trượt, do đó VEC đã báo cáo Bộ xin chủ trương ngả mái phía bên trái và cục bộ 1 đoạn ngắn bên phải.
Hiện Ban QLDA đang làm việc với địa phương để thu hồi mặt bằng bổ sung triển khai ngả mái. Ban sẽ chỉ đạo thi công ngay sau khi có mặt bằng, tiến độ thực hiện dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5.2018.
Do bàn giao mặt bằng muộn
Trong một diễn biến liên quan khác, đối với vị trí bị hư hỏng cục bộ đá hộc xây bảo vệ mái dốc tứ nón cống dân sinh, EPMU Da Nang - Quang Ngai cho rằng do nước trên mặt đường chảy tràn qua bó vỉa gây xói lở nền đắp... Ban đã chỉ đạo nhà thầu tháo dỡ và thi công lại, đảm bảo chất lượng.
Tại khu vực nút giao Hà Lam có xuất hiện một số điểm xói lở mái dốc nền đường, Ban này cho biết đã chỉ đạo nhà thầu sửa chữa ngay đảm bảo an toàn.
“Khu vực nút giao này là khu vực được bàn giao mặt bằng rất muộn, do đó nhà thầu thi công chỉ hoàn thành mặt đường ngay trước khi thông xe đường cao tốc; các hạng mục phụ trợ như trồng cỏ mái dốc, rãnh thoát nước cho mặt đường vẫn đang được tiếp tục thi công trong quá trình khai thác, do đó sẽ gặp nhiều khó khăn như vừa thi công vừa đảm bảo giao thông”.
Chủ đầu tư và nhà thầu đang khắc phục lại đoạn bị sạt |
EPMU Da Nang - Quang Ngai cho biết thêm: “Hiện tại Ban QLDA đã chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu tiến hành khảo sát toàn tuyến để xác định các điểm xói lở nền đường cũng như các khiếm khuyết khác để chỉ đạo nhà thầu xử lý ngay, đảm bảo chất lượng công trình cũng như an toàn khai thác tuyến đường cao tốc”.
Không thể chấp nhận với một số điểm sạt lở nặng
Từng trao đổi với báo chí, một chuyên gia cố vấn về cầu đường tại Đà Nẵng (xin được giấu tên) đã phân tích, công trình đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có đặc thù là chiều cao đất đắp nền đường tương đối cao so với mặt đất tự nhiên.
Công trình lại mới được đưa vào sử dụng hơn 3 tháng, đất đắp mái taluy dương nên đường chưa kịp cố kết, một số đoạn gia cố bằng cỏ chưa ổn định, gặp phải đợt mưa lớn kéo dài, nước lũ dâng cao trong đầu tháng 11 vừa rồi thì không tránh khỏi hiện tượng trôi đất mái taluy.
Nước mưa đã gây hư hỏng nặng tại các rãnh thoát nước hai bên đường |
Để khắc phục sự cố này thì phải cho bù vá lại, đồng thời tiến hành các biên pháp gia cố chắc chắn, đảm bảo ứng phó được mưa lớn.
“Không thể chấp nhận với một số điểm sạt lở nặng tại các vị trí 2 đầu cống, thực tế cho thấy nhà thầu thi công tại những vị trí đó quá sơ sài, chất lượng không đạt mới xảy ra hiện tượng nứt, sụt lún rồi dặm vá như thế.
Nước mưa làm trụt đất bên trong, sụp phần gia cố đá hộc tại nón mố là do lúc thi công không xử lý nền đất bên trong cho đạt độ chặt K.
Mặt khác không có hệ thống thoát nước mặt hợp lý, để nước gom theo cống dọc chảy xả ra lưng chừng, làm cho điểm này sạt lở nặng thêm.
Nhiều đoạn đã được gia cố bằng chất liệu vửa xi măng phun phủ với lưới cốt thép là lưới B40, bọc kín mái taluy dương của sườn đồi nhưng lại không có giải pháp thi công rãnh gom và thoát nước mưa, để nước chảy tự do, làm hư hỏng nặng phần mái taluy đã được gia cố tại những đường tụ thủy”, chuyên gia này tại các điểm hư hỏng trên.
Chuyên gia này cho rằng xảy ra sạt lở đất, đá tại Km20+315 là do rất nhiều nguyên nhân, phải thành lập đoàn thanh kiểm tra tại thực địa mới biết được nguyên nhân cụ thể.
Tác giả: Sơn Ca (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Đất việt