Ngày đầu xuân, chúng tôi về xã Đồng Thành nghe những làn điệu dân ca, ví dặm cất lên từ những người nông dân quanh năm lam lũ với ruộng đồng có thể cảm nhận được không khí văn nghệ nơi đây thật rộn ràng.
Tay cuốc cày, miệng hát dân ca
Chị Lê Thu Hà ở xóm 4 là thành viên câu lạc bộ (CLB) dân ca ví dặm xã cũng là một nông dân. Chị cho biết, mình đến với CLB hoàn toàn bằng tình yêu nghệ thuật đơn thuần.
Chị và một vài người sẵn sàng bỏ dở việc đồng áng, gửi lại con thơ để tập luyện phục vụ bà con. “Được lên sân khấu là chúng tôi như quên hết tất cả để hoá thân vào nhân vật. Vui lắm!”.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Quốc Minh, chủ nhiệm CLB dân ca ví dặm xã Đồng Thành phấn khởi: “Ở đây trẻ con 3 - 4 tuổi đã biết hát dân ca, ví dặm rồi”.
Câu nói đó rất đúng bởi Đồng Thành là vùng đất có CLB dân ca ví dặm đầu tiên của huyện Yên Thành nói chung và xứ Nghệ nói riêng. Mạch nguồn của loại hình nghệ thuật dân gian này như giao hòa với đất trời chảy trong tâm hồn mỗi con người nơi đây tự ngàn năm.
Được biết, CLB dân ca ví dặm Đồng Thành hoạt động khá thường xuyên, đều đặn hơn 20 năm nay. Sau những buổi đi làm đồng về, khi có đợt biểu diễn mới, CLB lại tập trung tại nhà Nghệ nhân Trần Quốc Minh là người biên đạo các tiết mục, sáng tác các làn điệu dân ca ví dặm để luyện tập.
Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn nhân các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ, ngày kỷ niệm ở các cấp…
Hầu như năm nào CLB xã Đồng Thành cũng đều đạt giải, nhất nhì ở các cuộc thi văn nghệ cấp tỉnh và nhiều lần đoạt Huy chương vàng toàn quốc về dân ca, ví dặm. Liên tục 5 năm vừa qua luôn đoạt giải A tại Liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.
Không chỉ Đồng Thành mà ở 39 xã thị trấn ở Yên Thành, phong trào hát dân ca ví dặm ngày càng lan tỏa. Chúng tôi xuôi xuống Phúc Thành, nơi đây CLB dân ca, ví dặm xã cũng đang miệt mài luyện tập để biểu diễn cho nhân dân xem nhân lễ hội đền Đức Hoàng.
Được biết, CLB dân ca ví dặm xã Phúc Thành không những nổi tiếng trong huyện mà khắp nơi đều biết tiếng. Tháng 9/2016, tham gia Liên hoan dân ca ví dặm xứ Nghệ CLB Phúc Thành xã Phúc Thành đạt giải Nhất.
Nơi đây còn có cô học trò Hà Thị Như (13 tuổi) học sinh lớp 7A Trường THCS Phúc Thành (Yên Thành) được mọi người biết đến như một “thần đồng” về dân ca, ví dặm.
Những năm qua, Như đã giành được nhiều giải cao trong các kỳ hội thi, hội diễn, tiêu biểu như tiết mục “Quê lúa Yên Thành” - giải A trong Liên hoan tiếng hát làng Sen, tiết mục “Cõi bờ trong tiếng mẹ ru” - giải B trong Liên hoan dân ca ví dặm liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh (2016)…
Không ở đâu như ở Yên Thành, người dân từ trẻ tới già, ai cũng có thể hát dân ca ví dặm nhuần nhị và ngọt ngào, say đắm lòng người đến thế. Về với Yên Thành là về với miền ví dặm với những làn điệu dân ca đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đượm tình người của những người nông dân chân chất, một nắng hai sương với ruộng đồng.
Họ hát bằng niềm đam mê gửi vào đó tình yêu con người, quê hương, đất nước và cuộc sống lao động của mình. Hiện nay, dân ca ví, dặm ở vùng đất quê lúa này ngày càng phong phú và sinh sắc thêm, nó là nguồn cảm hứng bất tận của người dân Yên Thành, nhất là những dịp tết đến, xuân về….
Để dân ca ví dặm trường tồn và lan tỏa
Ông Đặng Duy Hưng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành - cho biết: Để bảo tồn, trao truyền và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, năm 2009, Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành đã chỉ đạo thành lập các CLB dân ca ví, dặm.
Sau này có chỉ thị của tỉnh, huyện Yên Thành đã từng bước đưa dân ca vào trường học và phát triển thêm 12 CLB. Mỗi câu lạc bộ thu hút từ 25 đến 30 người tham gia. Hiện nay dân ca ví dặm ở Yên Thành không chỉ phát triển trong các thôn xóm mà đã nâng tầm lan tỏa ra cộng đồng.
Theo ông Hưng để dân ca ví dặm đồng hành một cách bền vững và tỏa sáng qua mọi thời kỳ lịch sử văn hóa và lịch sử dân tộc có một phần đóng góp to lớn của các nghệ nhân qua các thế hệ.
Điển hình như Nghệ nhân dân gian Ưu tú Phan Thế Phiệt (SN 1948) ở xã Hoa Thành. Thời gian phần lớn của cuộc đời của ông Phiệt là đi dạy hát, dàn dựng các vở kịch dân ca ví dặm cho các đội văn nghệ các xã, huyện.
Nay đã về hưu, nhưng ông Phiệt vẫn được các xã và lãnh đạo huyện mời đi dàn dựng các chương trình văn nghệ, xây dựng CLB dân ca ví dặm ở các xóm. Không dừng lại đó ông Phiệt còn đi dạy hát dân ca, ví dặm miễn phí ở các trường học.
Cũng như ông Phiệt, Nghệ nhân dân gian Ưu tú Trần Quốc Minh (SN 1942) ở xã Đồng Thành là người luôn tìm tòi, sưu tầm và phát triển dân ca ví dặm ra cộng đồng, xã hội từ năm 18 tuổi.
Ông Minh đã quy tụ và gây dựng nên CLB dân ca xã Đồng Thành từ năm 2000. Sau này các CLB dân ca ví, dặm ở huyện Yên Thành ra đời, đều có sự góp sức không nhỏ của ông.
Khi có chủ trương đưa làn điệu dân ca vào trường học, ông đã tự nguyện dạy cô trò ở các trường mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Yên Thành...
Hiện nay ở Yên Thành có 4 nghệ nhân được Nhà nước tôn vinh Nghệ nhân dân gian - là báu vật nhân văn sống, gìn giữ và trao truyền dân ca ví, dặm xứ Nghệ trong cộng đồng qua các thế hệ. Đó là Nghệ nhân dân gian Phan Thế Phiệt (Hoa Thành). Nghệ nhân dân gian Trần Thị Như; Trần Quốc Minh, Nguyễn Cảnh Sơn cùng ở Đồng Thành Đây là 4 nghệ nhân tiêu biểu trong hàng trăm nghệ nhân chưa được phong tặng ở huyện Yên Thành. |
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại