Kinh tế

Vải, nhãn miền Bắc được mùa, cả nước lo tiêu thụ

Theo dự báo, vải và nhãn năm nay tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La được mùa, rất dễ xảy ra tình trạng không tiêu thụ hết và rớt giá nếu không có những biện pháp chủ động ngay từ bây giờ.

Ngày 18-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc, niên vụ 2018.

Theo dự báo, vải và nhãn năm nay tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La được mùa, rất dễ xảy ra tình trạng không tiêu thụ hết và rớt giá nếu không có những biện pháp chủ động ngay từ bây giờ.

Hội nghị do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì, tham dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên...

Vải thiều và nhãn năm nay dự báo sẽ bội thu, áp lực tiêu thụ rất lớn

Theo Bộ NN&PTNT, thời tiết từ tháng 3 tới tháng 5 năm nay được dự báo thuận lợi cho vải, nhãn nở hoa, đậu quả và phát triển. Tỷ lệ vải, nhãn ở miền Bắc ra hoa đạt 95%, được đánh giá là được mùa nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhưng người trồng vẫn lo lắng khi thị trường tiêu thụ vẫn chưa mở rộng.

Vải, nhãn là hai loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc với tổng diện tích năm 2017 là 98.000ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc. Trong đó vải chiếm 16% và nhãn chiếm 11%. Năm nay, sản lượng vải của Bắc Giang ước 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn, Hưng Yên 12.000 tấn.

Nhãn tại Hưng Yên dự kiến có sản lượng 41.000 tấn, Sơn La 38.000 tấn. Dự kiến, từ ngày 5-5, trà vải sớm của tỉnh Hải Dương, gồm vải u trứng và vải hang son bắt đầu cho thu hoạch. Trà vải sớm thu hoạch tập trung từ 15 – 25/5 và trà vải thiều thu hoạch tập trung từ 20/5 – 20/6.

Hải Dương đã xây dựng được 13 vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU, với diện tích 131,68ha (năm 2017, diện tích này mới đạt 88,54ha), sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn; diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 187ha, sản lượng 1.500 tấn.

Năm 2017, các hợp đồng thu mua vải VietGAP, vải xuất khẩu có giá cao hơn thị trường 2.000 – 3.000 đồng/kg so với đại trà. Trong đó, tỉ lệ tiêu thụ vải nhãn ở thị trường nội địa chiếm khoảng 50% và đang có xu hướng tăng. Địa bàn tiêu thụ chính là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Với thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Asean, Trung Đông…

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn, hiện nay, tỉnh Quảng Tây thông báo tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhậu khẩu, trong đó có Việt Nam.

“Từ 1-4-2018, doanh nghiệp Trung Quốc phải xin giấy phép nhập khẩu và cung cấp hình ảnh bao bì truy xuất nguồn gốc. Do vậy, cần lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc”, ông Sơn lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng bày tỏ lo lắng, thu hoạch vải chính vụ chỉ trong thời gian ngắn từ 15/6 – 25/7. Với dự báo được mùa, sẽ tạo áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm và tiêu thụ quả vải. Vì vải chín trong thời gian ngắn, trong khi khâu bảo quản chủ yếu là thùng xốp, bảo quản bằng đá.

Tại Hội nghị, sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Sơn La sớm hoàn thành hai nhà máy chế biến rau quả, để giúp giảm áp lực cho người dân phải bán hoa quả tươi. Ông Cường cũng hứa sẽ tạo điều kiện để các tỉnh tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội, như tại Hội chợ ở Hoàng Quốc Việt. Đồng thời lưu ý các tỉnh quan tâm tới thị trường phía Nam.

“Với thị trường Trung Quốc, chúng ta đã cử người sang tỉnh Quảng Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh. Không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Được mùa nhưng không được mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Tác giả: Ngọc Yến

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: nhãn , Vải , trái cây

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP