Một trong các nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8 là bàn dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Dự thảo được xây dựng ngắn gọn với 4 điều. Trong đó, điều 1 quy định tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải gương mẫu chấp hành cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định về: "Những điều đảng viên không được làm", "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên".
Minh bạch kê khai tài sản, thu nhập
Một trong những nội dung quan trọng, nổi bật là quy định ở điều 2 nêu gương trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương.
Theo đó, các Ủy viên phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ.
Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương đề cao nhân cách, đạo đức trong lãnh đạo, quản lý; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cán bộ chức càng cao thì càng phải nghiêm khắc với bản thân. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Cán bộ thuộc diện này phải gương mẫu thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận và người thay thế mình; khuyến khích, bảo vệ cán bộ thẳng thắn, trung thực, năng động, sáng tạo, đổi mới. Chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài.
Đáng chú ý, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
Đồng thời nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình. Không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau.
Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...
Điều 3 quy định từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điều 4 quy định trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; BCH Trung ương phải xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định.
"Không loại trừ ai, bất kỳ vị trí nào"
Phát biểu khai mạc hội nghị vào ngày 2/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung của bản quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát.
"Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống", Tổng bí thư cho hay.
Nói về vấn đề này, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng quy định về nêu gương của cán bộ xây dựng trên nguyên lý "có xây, có chống và xây trước, chống sau" và điểm cốt lõi của dự thảo đề án là "cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu".
Dự kiến, Quy định trách nhiệm về nêu gương cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương sẽ được thông qua vào ngày 6/10. Ảnh: Đoàn Bắc. |
"Để quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên phát huy được hiệu quả đầu tiên, chúng ta phải chọn đúng người. Sau đó, thực hiện công tác quản lý chặt chẽ, không loại trừ ai hay ở bất kỳ vị trí nào. Tất cả cán bộ, dù ở vị trí lãnh đạo cao nhất cũng phải chịu sự quản lý của Trung ương, sự giám sát của người dân", ông Thưởng chia sẻ.
Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung nếu không liên tục rèn luyện để suy thoái đạo đức lối sống, làm sai quy định của Nhà nước.
Điều này sẽ làm mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng, đồng nghĩa với công lao phấn đấu cả đời của cán bộ, đảng viên trở thành vô nghĩa.
Do đó theo vị này, quy định mới phải đi sâu, mỗi đảng viên phải rèn luyện mình, đi đầu gương mẫu. Đảng đi đầu, ở đâu khó phải lao vào, chỗ nào hy sinh gian khổ phải lao vào. Chứ bây giờ đảng viên chỗ nào có lợi là thu lợi thì đó chính là tự diễn biến.
"Tất cả các cấp ủy từ địa phương đến Trung ương mà rời khỏi vai trò lãnh đạo của mình hoặc không xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình thì đó là tự diễn biến lớn nhất, sâu sắc nhất trong điều kiện hiện nay", ông Nguyễn Viết Chức nói
Tác giả: Thắng Quang
Nguồn tin: zing.vn