Nhân ái

Ước nguyện mong mẹ được phẫu thuật, em được điều trị bệnh của cô gái mang trong mình bệnh ung thư

“Con cũng muốn khỏe mạnh để lo cho mẹ, lo cho hai em. Bản thân con đau ốm bệnh tật nhiều... Số phận con sinh ra đã không may mắn. Có cha cũng như không. Con ước gì có người cha lo cho các con như bao người khác…” – Đó là chia sẻ của cô gái đang bị ung thư tuyến giáp. Ước nguyện lớn nhất của cô là mẹ được phẫu thuật, em được điều trị bệnh khi gia đình đang rơi vào bĩ cực.

Lần lượt đổ bệnh

Bà Võ Thị Khuyến, SN 1965, ở thôn 3, thị trấn Đắk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Bà mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ vào hàng xóm láng giềng. Sau khi lập gia đình, bà cùng chồng vào Tây Nguyên, trồng rừng ở huyện Kon Plông - Kon Tum. Nơi đây bị giặc Mỹ rải chất độc da cam Dioxin thời chiến tranh. Hơn 10 năm bám đồi đất trồng rừng tại Kom Plông, năm 1998, vợ chồng bà về huyện Kon Rẫy sinh sống tại thôn 3, thị trấn Đắk Rve.

Không biết có phải do ảnh hưởng của chất độc dioxin hay không mà hai người con của bà lần lượt mắc bệnh tâm thần. Cũng từ đây, biến cố liên tiếp ập xuống gia đình bà. Chồng bà đi làm ăn xa, sau đó bỏ lại mấy mẹ con bà đi biệt tích. Lúc đó, con gái lớn mới 12 tuổi, em gái 2 tuổi rưỡi, em trai có 5 tháng tuổi.

Ban đầu, em Phạm Văn Hiếu, 16 tuổi chỉ cười nói một mình, lượm rác và lá cây để ăn. Gia đình đã đưa đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại Biên Hòa - Đồng Nai nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Bệnh nặng hơn, Hiếu đập phá đồ đạc của nhà và hàng xóm, đánh người, đánh mẹ và các anh chị. Gây thương tích cho nhiều người, Hiếu bị bắt buộc đưa vào trại tâm thần.

Bà Khuyến bên hai đứa con tâm thần. Ảnh GD

3 năm trước, con gái thứ 2 của bà Khuyến là Phạm Thị Mai Hồng cũng xuất hiện các biểu hiện như con trai. Hồng thường xuyên nói chuyện một mình, hoang tưởng, thường xuyên kích động. Gia đình cũng đã phải đưa đi khắp các bệnh viện để điều trị nhưng không cải thiện được. Đến nay, không còn tiền để điều trị, Hồng ở nhà với mẹ. Để Hồng bớt lên cơn, mỗi tháng gia đình phải mua 650 ngàn tiền thuốc.

Éo le hơn, trong một lần Hiếu lên cơn đã đánh mẹ gẫy xương tay, xương sườn. Bà Khuyến còn không may bị xe tông dẫn tới gẫy đôi xương đùi. Bà phải nhập viện phẫu thuật. Sau hai lần phẫu thuật, việc đi lại của bà vẫn khó khăn. Cách đây không lâu, bà vào viện kiểm tra, bác sĩ nói cần phải phẫu thuật tiếp, nếu không sẽ rất khó đi lại. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, con cái đau ốm nên đến nay, bà chưa có điều kiện để phẫu thuật.

"Do vụ tai nạn và thoái hóa không chữa trị kịp thời, mẹ em ngày đêm đau nhức. Cộng với bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, sức khỏe mẹ càng yếu, cứ đau ốm liên tục. Đau quá thì mẹ em chỉ đi châm cứu. Em chỉ mong sao mẹ có điều kiện phẫu thuật xương chậu lại để việc đi lại bình thường" – em Phạm Thị Huyền, con gái lớn của bà Khuyên chia sẻ.

Mất đi điểm tựa duy nhất

Nhà có 4 mẹ con, 3 người lần lượt đổ bệnh. Người khỏe mạnh nhất trong gia đình là Phạm Thị Huyền. Thế nhưng, tháng 11 năm 2017, Huyền thấy đau nhức và nổi nhiều hạch ở cổ. Đi khám ở bệnh viện tỉnh không ra bệnh, bác sĩ chuyển tuyến cho Huyền lên khám ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mới phát hiện ra bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3.

Huyền phải phẫu thuật gấp. Vậy là bà Khuyến dù bệnh tật cũng chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để lo phẫu thuật cho con. Tháng 4/2018, Huyền bắt đầu xạ hình, xạ trị, uống thuốc phóng xạ liều cao...

"Các cô chú à, con cảm thấy mình không giúp được gì cho mẹ, làm mẹ lo thêm. Con cũng muốn khỏe mạnh để lo cho mẹ, lo cho hai em. Bản thân con đau ốm bệnh tật nhiều, bị dạy dày, loét thực quản... Số phận con sinh ra đã không may mắn. Có cha cũng như không. Con ước gì có người cha lo cho các con như bao người khác. Nhiều khi con buồn lắm khi nghĩ về gia đình và buồn vì bệnh tật đau ốm hành hạ nhưng nghĩ tới mẹ và hai em đều có gắng vượt qua, có gắng sống. Con mong sao mẹ con sống thật lâu và khỏe mạnh. Con chỉ có mình mẹ thôi, không có mẹ trên đời này không biết con sẽ sống ra sao, không biết nương tựa vào ai.

Con muốn mẹ bớt khổ, nhiều đêm con thấy mẹ khóc lo lắng về tiền bạc để chữa bệnh cho các con. Cứ nghĩ về em trai là mẹ không cầm nồi nước mắt. Em trai con ở trong trại tâm thần nổi hạch khắp người, mà giờ bệnh tâm thần đập phá sao đưa đi chữa ở Sài Gòn được. Nhà neo người không có ai để chăm sóc, nếu phẫu thuật sẽ ra sao đây?" – Huyền viết.

Huyền đang điều trị ung thư tuyến giáp ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh GD

Gia đình Huyền thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Gia đình chỉ có căn nhà nhỏ được ghép từ những tấm gỗ và ít rẫy. Nhưng đất cát xấu và nhà toàn người bệnh tật nên canh tác thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thuốc thang. Bà Khuyến là trẻ mồ côi nên không có bà con thân thích. Cuộc sống của 4 người bệnh tật ấy hiện nhờ sự đùm bọc của bà con lối xóm và chính quyền địa phương giúp đỡ.

Đơn xin kết nối của gia đình Huyền

Do tác dụng phụ của thuốc an thần, Hồng bị méo miệng phải vào nằm điều trị ở Khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum châm cứu. Bệnh tâm thần của Hồng cũng mỗi ngày một nặng, gia đình mong muốn đưa ra Hà Nội điều trị nhưng không có tiền.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết nguyên đán, gia đình Huyền vẫn mỗi người một nơi để điều trị bệnh. Nhắc đến Tết, Huyền bảo ước nguyện lớn nhất của em lúc này chính là mẹ có điều kiện để phẫu thuật sớm. Thế nhưng, ước nguyện của cô gái ung thư này khó có thể thành hiện thực nếu như không có sự chung tay cứu giúp của cộng đồng.

Mọi sự giúp đỡ gia đình em Huyền- Mã số 634 xin gửi về:

Em Phạm Thị Huyền ở thôn 3, thị trấn Đắk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

Tác giả: Phương Thuận

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP