Giáo dục

Ứng viên bị loại, hội đồng có vô can?

Việc 41 ứng viên không được công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 trách nhiệm thuộc về ai khi đã qua 3 vòng xét duyệt?

GS Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cho rằng, phải "sàng qua, sàng lại" như năm nay, trách nhiệm của hội đồng ngành là rất lớn nhưng nếu có "bàn" về trách nhiệm này cũng không đi tới đâu. Ông cũng cho rằng không chỉ đợt xét "chuyến tàu vét 174" này mà trong thực tế có những người đã được công nhận giáo sư, phó giáo sư vẫn còn "vàng thau lẫn lộn".

Còn GS Ngô Văn Lệ, nguyên hiệu trưởng Trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận: Đúng là hội đồng ngành không vô can khi để ra sai sót trong việc xét duyệt hồ sơ. Nhưng khi tiếp nhận hồ sơ, về mặt nguyên tắc, ứng viên là ai, ở đâu hội đồng ngành không biết trước. Do có quy định quá chi tiết về mặt hồ sơ, các ứng viên nộp xét chức danh GS, PGS sẽ làm đúng qua trình. Điều này dẫn tới hồ sơ ứng viên lại quá cồng kềnh và có nhiều cái không cần thiết.

Vì vậy, việc minh chứng hồ sơ có những người mới, nhưng có những người đã lâu. Trong khi thời gian không đủ để kiểm tra, sai sót là có thể xảy ra.

"Còn có những hội đồng ứng viên có hồ sơ quá cồng kềnh nhưng người đọc trong thời gian ngắn, không thể kiểm chứng được. Vì vậy việc khai hồ sơ đã đành nhưng còn minh chứng chỗ này, chỗ khác sẽ không kiểm chứng được".

Bàn về vấn đề trách nhiệm là của ai khi 41 hồ sơ sau rà soát được kết luận là chưa đạt chuẩn, trong đó chủ yếu ở khâu hợp đồng giảng dạy, giờ giảng, thanh lý hợp đồng…, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho rằng cần quay lại vấn đề quy trình xét duyệt.

"Nếu quy trách nhiệm cho cấp này cấp khác thì cũng đều đúng cả, nhưng tôi thấy nguyên nhân gốc rễ là do quy trình không ổn. Chính vì quy trình không ổn nên dẫn tới những hậu quả như thế”.

"Vừa rồi, rà soát lại 94 hồ sơ có đơn tố cáo, hồ sơ không đảm bảo, chứ nếu rà lại cả hơn 1.000 hồ sơ theo cách thức như đợt vừa rồi thì tôi nghĩ là con số không chỉ dừng ở đó” - ông nói.

Theo TS. Khuyến, bản thân quy trình trước đây đã không hợp lý, vì không phù hợp với thông lệ chung của thế giới - đó là giáo sư chỉ là một chức danh nghề nghiệp. Vì thế, chức danh GS, PGS chỉ đề trao cho những người làm công tác giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, viện nghiên cứu khoa học có làm nhiệm vụ đào tạo).

"Ở mình có biết chuyện này hay không? Tôi nhớ là đầu những năm 90, khi xuống làm việc về đợt phong GS, PGS đầu tiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh có nói với đội ngũ quản lý của Bộ GD-ĐT rằng: "Các đồng chí là những người làm quản lý, các chức danh GS, PGS nên để dành cho những người làm ở các trường đại học. Các đồng chí không nên đăng ký vào". Lúc đó, có người thì nghe, có người thì không, vẫn làm hồ sơ”.

Cùng với ý kiến của lãnh đạo Nhà nước lúc đó, đến 2005, có Nghị quyết 14 của Chính phủ đề nghị phải thay đổi cách phong GS, PGS với yêu cầu đưa về các trường đại học. "Nhưng đã 13 năm trôi qua, Nghị quyết 14 của Chính phủ vẫn chưa được thực hiện. Chỉ đến năm nay, khi số lượng GS, PGS tăng đột biến thì người ta mới rộ lên chuyện phong GS” - TS. Khuyến nói.

Ông cho rằng, việc rà soát lại như vừa qua mới chỉ “nửa vời”. Quan trọng nhất là phải phải sửa lại quy trình. “Nếu kiểm tra trình độ ngoại ngữ, thì có khi lại ra vài trăm người nữa".

Ông cho rằng, dư luận xã hội, báo chí, các cơ quan quản lý cần có trách nhiệm lên tiếng để cho thấy rằng: Không có chức danh GS hay PGS thì không có nghĩa là kém về mặt chuyên môn, hoạt động nghiên cứu.

Tác giả: Lê Huyền - Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP