Giáo dục

Ứng phó với phương án thi mới

Mỗi thí sinh phải thi sáu môn bao gồm năm môn trắc nghiệm khiến học sinh và nhà trường rất lo lắng.


Ngay khi vừa có thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, hầu hết các trường THPT và giáo dục thường xuyên tại TP.HCM bắt đầu lên kế hoạch đổi mới dạy và học sao cho phù hợp với những thay đổi của kỳ thi.

Rốt ráo làm quen với trắc nghiệm

Cuối tuần qua, Trường THPT Tân Phong (quận 7) đã tập trung hơn 400 học sinh (HS) lớp 12 để thông báo phân tích cho các em hiểu những điểm mới của kỳ thi sắp tới, đồng thời trấn an các em yên tâm học tập.

Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay vì lo lắng không biết việc học và thi cử sẽ như thế nào và đây là năm đầu tiên trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày nên số tiết học các môn văn hóa cũng hạn chế. Vừa qua, phụ huynh đã làm đơn kiến nghị trường tăng thêm ba tiết/tuần ở buổi hai để rèn luyện kỹ năng và hệ thống hóa kiến thức cho các em.

“Trước mắt, trường sẽ cho HS chọn lại nguyện vọng theo ban khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc khoa học xã hội (KHXH), rồi trường sẽ điều chỉnh lại lớp học để các em ổn định tư tưởng học tập” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, ban giám hiệu sẽ họp với các tổ chuyên môn để bàn bạc và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và ôn tập cho phù hợp. Sau khi Bộ có đề thi minh họa, các tổ sẽ biên soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm ngay cho từng môn.

Trong đợt kiểm tra giữa kỳ 1 vào giữa tháng 10 tới, nhà trường sẽ cho HS làm quen với đề trắc nghiệm cho các môn trước đây vẫn kiểm tra tự luận như toán, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (GDCD).

“Bước đầu mỗi môn sẽ ra đề vừa trắc nghiệm vừa tự luận, trong đó có 7 điểm tự luận và 3 điểm trắc nghiệm. Sau khi có kết quả sẽ họp đánh giá rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp giảng dạy và ra đề cho phù hợp” - ông Hải nói.

Do chuẩn bị tâm thế từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo về phương án thi THPT quốc gia cho năm 2017 nên thầy trò Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền không quá lúng túng. Vì số môn thi năm nay khá nặng nên trường đang thăm dò lại ý kiến HS về việc lựa chọn hướng thi cử, xem các em chọn bài thi nào, tức KHTN hay tổ hợp KHXH để trường sắp xếp lại theo nguyện vọng của phụ huynh HS.

Ông Võ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết cái mới nhất là việc thi trắc nghiệm nên tới đây trường sẽ làm việc với các tổ bộ môn để thông tin cụ thể về kỳ thi và bàn bạc lên kế hoạch dạy, soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm sao cho phong phú, nhất là môn toán.

“Kỳ kiểm tra giữa học kỳ sắp tới, trường sẽ cho các em làm bài theo hướng trắc nghiệm. Nhà trường xác định làm sao các em thi tốt từng môn trong tổ hợp chứ không chỉ tập trung học cho hai, ba môn thi” - ông Dũng bày tỏ.

Thi trắc nghiệm và tổ hợp nhiều môn khiến cả thầy lẫn trò lớp 12 lo lắng để làm sao dạy và học cho phù hợp. Ảnh: PA


Vào cuộc đổi mới môn giáo dục công dân

Một trong những thay đổi mới nhất trong kỳ thi sắp tới là có thêm môn GDCD trong bài thi tổ hợp KHXH.

Lâu nay hầu như rất ít trường quan tâm đến môn học này. ông Hải cho hay trước mắt, ban giám hiệu sẽ cùng tổ sử - GDCD họp bàn kế hoạch, tham khảo và soạn nội dung dạy cho phù hợp, nhất là cho môn GDCD khối 12. Trường sẽ mời giáo viên cũ về hỗ trợ giảng dạy và chờ hướng dẫn thêm từ Sở GD&ĐT để định hướng dạy sao cho phù hợp.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng xây dựng phương án chú trọng môn GDCD. Theo ông Võ Văn Dũng, mặc dù số HS chọn thi theo ban KHXH không nhiều nhưng đây cũng là lúc để các trường và giáo viên phải xem lại để dạy cho bài bản, kỹ càng hơn, HS cũng phải chú tâm hơn. “Trường đang xây dựng kế hoạch và dự kiến sắp tới, mỗi tháng trường sẽ tổ chức một hoặc hai chuyên đề về môn GDCD. Mục tiêu là giúp các em hệ thống và mở rộng nhiều kiến thức hơn” - ông Dũng cho hay.

Tập huấn cách ra đề thi trắc nghiệm

Vấn đề thi trắc nghiệm cũng là mối quan tâm lớn nhất hiện nay. Vừa qua, Trường THPT Trưng Vương đã mời một chuyên gia khối sư phạm toán của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đến tập huấn cách ra đề thi trắc nghiệm cho giáo viên. Tới đây trường cũng mời chuyên gia về các môn xã hội hướng dẫn giáo viên ra đề thi trắc nghiệm. Sau đó, trường sẽ thống nhất cách dạy trong các tổ để không chệch hướng, nhất là hướng trắc nghiệm, đồng thời luyện cho HS cách giải đề thi trắc nghiệm.

Theo khảo sát của trường thì chỉ có hơn 70 em lớp 12 đi theo ban xã hội nên sẽ thi môn GDCD. Tuy HS chọn thi theo khối KHXH ít nhưng ngay khi Bộ đưa ra dự thảo có thi môn này, nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị để sẵn sàng tiến hành dạy và ôn tập cho HS. Các giáo viên sẽ biên soạn câu hỏi trắc nghiệm dự kiến để HS làm quen tới đây.

Ông NGUYỄN HÙNG KHƯƠNG, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1

Tác giả bài viết: Phạm Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP