Giàu nhanh vượt tỷ phú Mỹ
Đầu năm 2014, giới đầu tư Trung Quốc và Mỹ xôn xao về một cái tên không mấy nổi tiếng: Hoang Kieu (Hoàng Kiều). Vị doanh nhân người Mỹ gốc Việt này đã ngay lập tức trở thành tỷ phú sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Shanghai RAAS.
Khi đó, với hơn 180 triệu cổ phiếu, tương đương 37% vốn của Shanghai RAAS - một công ty chuyên sản xuất huyết thanh có trụ sở tại Thượng Hải, ông Hoàng Kiều có trong tay khối tài sản quy đổi ra tiền trị giá khoảng 1,4 tỷ USD.
Lúc đỉnh cao ông Hoàng Kiều có 3,8 tỷ USD.
Lợi nhuận và doanh thu của Shanghai RAAS khi đó khá khiêm tốn, chỉ chưa tới trăm triệu USD (doanh thu). Tuy nhiên, doanh nghiệp của vị tỷ phú sống tại Los Angeles (Mỹ) được đánh giá có triển vọng rất lớn nhờ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực y tế đầy tiềm năng ở thị trường Trung Quốc.
Chỉ trong vòng khoảng 6 tháng sau đó, nhờ cổ phiếu tăng giá, tài sản của tỷ phú Hoàng Kiều đã tăng vọt lên 2,8 tỷ USD (hồi tháng 9/2014) và lọt top 650 người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes. Vị doanh nhân gốc Việt (khi đó 70 tuổi) đã nhanh chóng vượt qua rất nhiều tỷ phú Mỹ khác và đứng thứ 222 tại Mỹ (tính tới 19/9/2014).
Tới cuối tháng 9/2015, theo bảng xếp hạng mới của Forbes, ông Hoàng Kiều lần đầu tiên lọt top 400, đứng thứ 149 với tài sản 3,8 tỷ USD và tiếp tục là gương mặt nổi bật trong số các tỷ phú mới nổi tại Mỹ.
Khi đó, tờ Forbes đã có một bài viết khá dài nói về riêng cuộc đời của tỷ phú người Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều. Ông là người giàu nhất trong số 25 gương mặt mới trong danh sách Forbes 400 năm đó.
Cũng theo Forbes, Hoàng Kiều là một tỷ phú tự thân với lĩnh vực kinh doanh chính là dược phẩm. Ông sinh năm 1944 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, di cư sang Mỹ năm 1975 và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ).
Phác họa tuổi thơ của tỷ phú Hoàng Kiều.
Shanghai RAAS Blood Products nằm trong danh sách 200 DN dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2015 và đứng thứ 20 trong danh sách những công ty sáng tạo nhất của Forbes. Vào thời điểm đó, Shanghai RAAS đã có vốn hóa lên tới gần 18 tỷ USD và có doanh thu 214 triệu USD.
Tỷ phú thế giới: tai tiếng sự kiện hoa hậu tại Việt Nam
Trước khi trở thành tỷ phú USD nhờ vụ IPO Shanghai RAAS vào năm 2014, ông Hoàng Kiều đã nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là doanh nhân đầu tiên ấp ủ ước mơ mang cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 về tổ chức tại Việt Nam.
Khi đó, ông Hoàng Kiều đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua đất đai ở Tiền Giang và dự định thâu tóm cổ phần Công ty Du lịch Tiền Giang. Tuy nhiên, tỷ phú Hoàng Kiều cũng đã nhanh chóng vỡ mộng với cuộc chơi này và bỏ cuộc do triển khai xây dựng hàng loạt các công trình gặp trục trặc và cuộc thi hoa hậu thế giới cũng chưa được cấp phép chuyển từ Nha Trang về Tiền Giang. Kể từ cuối 2010 đến nay, ông Hoàng Kiều gần như không còn được nhắc đến với các dự án tại Việt Nam.
Cũng trên Forbes, ông Hoàng Kiều cho biết ông cam kết dành 20% tài sản làm từ thiện. Đại gia gốc Việt này đã có nhiều hoạt động từ thiện tại Việt Nam, ngay từ những chuyến trở về quê hương đầu tiên từ năm 2006. Ông đã phối hợp với tổ chức Chữ Thập đỏ xây 5.000 nhà ở tại vùng đất nơi ông sinh ra. Vị tỷ phú này cũng cho biết, ông muốn những đồng tiền của mình đi đến đúng địa chỉ, ông không muốn làm từ thiện như Bill Gates hay tỷ phú Warren Buffett.
Trong chục năm gần đây, ông Hoàng Kiều xuất hiện cùng với rất nhiều hoa hậu.
Chia sẻ trên Forbes, ông Hoàng Kiều cho biết, ông muốn bày tỏ lòng biết ơn và sự đền đáp. Ông luôn nhớ về thời thơ ấu sống ở vùng thôn quê, chạy chân trần, không áo và dùng dao chặt củi cho mẹ.
Gần đây, cổ phiếu RAAS trên sàn chứng khoán Thâm Quyến của Trung Quốc giảm giá khiến tài sản của ông Hoàng Kiều giảm xuống chỉ còn 2,8 tỷ USD (tính tới cuối phiên giao dịch ngày 12/12/2016). Với khối tài sản này, hiện ông Hoàng Kiều đứng thứ 214 trong danh những người giàu nhất theo xếp hạng của Forbes, thấp hơn khá nhiều so với vị trí 149 năm 2015, nhưng vẫn cao hơn người giàu nhất tại Việt Nam.
Theo Forbes, tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam hiện là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup. Ông Vượng hiện có tổng tài sản trị giá 2,2 tỷ USD, xếp thứ 1011 trong số các tỷ phú USD trên thế giới.
Cổ phiếu của ông Hoàng Kiều giảm được cho là do chịu một phần ảnh hưởng của đợt lao dốc mạnh của TTCK Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, DN của tỷ phú này vẫn đang tiến hành nhiều vụ thâu tóm các DN dược phẩm địa phương và trên thế giới nhằm mở rộng khả năng cung cấp các sản phẩm y tế.
Theo Bloomberg, Tập đoàn Creat của Trung Quốc đã có kế hoạch chuyển một DN sản xuất huyết thanh có trụ sở tại Anh (Bio Products Laboratory Ltd.) cho Shanghai RAAS để nhằm tránh tình trạng cạnh tranh giữa các DN này. Trước đó, hồi tháng 5, Creat đã đồng ý mua BPL với giá khoảng 1,1 tỷ USD.
Shanghai RAAS hiện là DN chăm sóc sức khỏe lớn nhất Trung Quốc theo vốn hóa thị trường (khoảng 17 tỷ USD). Nếu kiểm soát được BPL, Shanghai RAAS có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tới hơn 45 nước và cung cấp huyết thanh từ Mỹ cho các nhà sản xuất khác. Shanghai RAAS hiện cũng là DN bán các sản phẩm phát triển từ huyết thanh lớn nhất tại Trung Quốc.
Tác giả bài viết: V. Hà
Nguồn tin: