Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bỏ quy định không thi tuyển lớp 6, tại TP HCM chỉ còn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được tổ chức bài khảo sát để chọn những học sinh (HS) giỏi vào trường. Trong thực tế, nếu không phải gồng gánh tuyển sinh theo hình thức phân tuyến, nhiều trường THCS với chất lượng tốt cũng muốn được thực hiện bài khảo sát năng lực.
Cuộc đua khốc liệt
Dự kiến năm nay, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ vẫn tuyển 15 lớp 6, tương đương 525 HS, bằng với chỉ tiêu năm 2018. Trường này đang làm kế hoạch để xin Sở GD-ĐT TP HCM cho chủ trương tuyển sinh như năm trước.
Sức hút vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chưa năm nào hạ nhiệt, đỉnh điểm là năm 2018, có tới hơn 4.100 hồ sơ dự tuyển, trong khi chỉ tiêu chỉ lấy 525. Tại TP HCM còn nhiều trường cũng "hot" không kém nhưng việc tuyển sinh hằng năm vẫn phân tuyến theo địa bàn, phải bảo đảm cho số HS trong tuyến, còn dôi ra mới dành cho ngoài tuyến. Thế nên, dù con số dôi ra này mỗi năm không lớn nhưng trở thành cuộc đua khốc liệt của những HS muốn vào được trường. Cuộc đua càng gay gắt hơn khi năm 2019, đa số các trường giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, cho biết theo dự kiến, Trường THCS Nguyễn Văn Tố năm nay tuyển 300 HS lớp 6 nhưng đang chờ trường rà soát lại để báo cáo cụ thể, có cơ sở trình UBND quận. Ông Đặng Nguyễn Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), cho hay theo dự kiến, trường tuyển 510 HS vào lớp 6. Chỉ tiêu tương đương các năm trước.
Học sinh ngoài tuyến thi vào lớp 6 các trường THCS chất lượng cao rất căng thẳng trong năm 2019 . Ảnh: TẤN THẠNH |
Tranh tìm học sinh giỏi
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, TP không có chủ trương phát triển thêm trường chuyên, lớp chọn bậc THCS, chính vì thế mô hình lớp 6 trong Trường chuyên Trần Đại Nghĩa là duy nhất. Thế nhưng, nhiều ngôi trường khác tại các địa bàn quận, huyện cũng nổi tiếng không kém trường chuyên. Chẳng hạn như Trường THCS Nguyễn Du, Trần Văn Ơn (quận 1); Nguyễn Văn Tố (quận 10), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), THCS Vân Đồn (quận 4)… vẫn khiến nhiều phụ huynh tìm mọi cách cho con được vào.
Đặc thù của những trường này trong tuyển sinh hằng năm là ngoài việc bảo đảm HS đúng tuyến có chỗ học thì sẽ dành một số chỉ tiêu cho HS ngoài tuyến với điều kiện đáp ứng những tiêu chí do hội đồng tuyển sinh của quận, huyện đó quy định. Với tiêu chí đầu tiên là HS giỏi 4 năm liền, điểm kiểm tra cuối học kỳ II lớp 5 của 2 môn toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Thế nhưng, việc tuyển sinh số ngoài tuyến này luôn là bài toán khó với các trường bởi số HS đủ điều kiện quá nhiều mà chỉ tiêu lại ít.
Tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, năm 2018, chỉ có 40 HS ngoài tuyến được tuyển vào, với điều kiện khắt khe, chọn 2% trên tổng số HS mỗi trường trong quận với các điều kiện: học bạ giỏi lớp 1; điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II tất cả các môn đạt điểm 10 ở lớp 2, 3, 4, 5.
Theo hiệu trưởng một trường THCS, hầu như HS tiểu học nào cũng đạt 20 điểm 2 môn toán và tiếng Việt, buộc các trường phải xét thêm tiêu chí phụ nhưng rất nhiều em cũng đáp ứng được. Vì thế, để chọn được HS thật sự chất lượng vào trường rất khó nên nhiều trường mong muốn được tổ chức bài kiểm tra ngắn gọn, công bằng và đánh giá hết được kiến thức, kỹ năng của HS.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 10 cho rằng đa số trường điểm tại các quận, huyện đều có thêm một nhiệm vụ nữa là bồi dưỡng, đào tạo nguồn HS giỏi cho TP, vì thế trường nào cũng muốn tìm được những HS ưu tú nhất.
Theo ông Đặng Nguyễn Thịnh, số HS ngoài tuyến hằng năm là do các trường tiểu học tự đề xuất, sau đó hội đồng tuyển sinh của quận quyết định. Dù hình thức, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm như thế nào là chủ trương của ngành nhưng trường vẫn muốn được tuyển sinh bằng bài khảo sát đánh giá năng lực. Làm như vậy sẽ dễ dàng và công bằng với tất cả HS.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng rất khó làm được điều này vì TP HCM gặp áp lực lớn nhất là người nhập cư. "Phải có những trường THCS lân cận để tiếp nhận HS trong địa bàn không đủ điều kiện vào trường điểm. Trong khi đó, trường lớp hiện nay không theo kịp tốc độ tăng dân số, nếu thi tuyển để chọn HS chất lượng cho trường mình mà dồn áp lực sang các trường khác là không ổn" - ông Thịnh băn khoăn.
Hà Nội: Căng thẳng ở trường chất lượng cao Năm nay, các trường THCS chất lượng cao của Hà Nội có số HS đăng ký vượt quá chỉ tiêu sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Như vậy, sau nhiều năm tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển hồ sơ, năm học 2019-2020 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng như một số trường chất lượng cao, có số lượng HS đăng ký đầu vào cao hơn chỉ tiêu sẽ kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Điểm trúng tuyển được tính bằng điểm xét tuyển cộng với điểm kiểm tra đánh giá năng lực (tính hệ số 2). Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành. Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận, trong đó bảo đảm yêu cầu 4 cấp độ nhận thức bao gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Riêng đối với các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn TP, năm nay sẽ tuyển sinh theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực. Mỗi HS được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng. Y.Anh |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người lao động