|
Phải khẳng định, công tác cán bộ là khó nhất trong các loại khó, quan trọng nhất trong các loại quan trọng. Nó mang tính quyết định đến sự thành - bại, nhỏ thì một đơn vị, địa phương, lớn thì quốc gia, thể chế.
Vì thế sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề này và nhắc nhở: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Đây cũng là điều mà Đảng ta xưa cũng như nay, đều rất quan tâm.
Song, việc một loạt cán bộ nguyên và đương chức vi phạm, bị kỷ luật nặng vừa qua một mặt khẳng định quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, nó cũng đặt ra một câu hỏi không nhỏ, đó là công tác cán bộ.
Đây là điều rất đáng suy nghĩ và cần tìm ra lời giải.
Được biết trong công tác cán bộ của ta, thường được tiến hành theo qui trình gồm ba bước. Một là đào tạo – bồi dưỡng. Hai là đề bạt – cất nhắc và ba là quản lý - giám sát.
Đây là một qui trình rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, đã từng phát huy cao độ sức mạnh nhiều thập kỉ qua. Tuy nhiên, từ những vụ việc gần đây cho thấy đã bộc lộ những điểm yếu ở cả ba khâu.
Xin lấy ví dụ từ hai vụ kỷ luật điển hình gần đây nhất. Đó là các ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy, thôi Ủy viên Trung ương và Trịnh Xuân Thanh bị truy tố trước pháp luật.
Nếu với ông Nguyễn Xuân Anh, sai lầm nằm chủ yếu ở khâu quản lý, giám sát thì đối với Trịnh Xuân Thanh, sai lầm nằm ở cả ba khâu. Việc đào tạo – bồi dưỡng Trịnh Xuân Thanh chưa đến nơi, đến chốn. Việc đề bạt – cất nhắc vội vàng và không loại trừ có mục đích cá nhân của ai đó. Việc quản lý – giám sát lỏng lẻo, cho đến trước khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, vẫn có ý kiến như sự bênh vực.
Nếu làm tốt công tác quản lý – giám sát chặt chẽ ngay từ đầu, ông Xuân Anh sẽ không để lại hậu quả nặng nề cho Đà Nẵng như hiện nay và đối với Trịnh Xuân Thanh, sẽ không phải đứng trước vành móng ngựa với sự thất thoát nhiều nhiều tỉ đồng.
Trên báo Thanh niên ngày 29.1.2015, bài “Chạy chức, chạy quyền gây bức xúc chỉ sau tham nhũng” tại phiên bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng có đoạn: “Theo ông Tô Huy Rứa kinh nghiệm từ việc luân chuyển trong thời gian qua đã được thực hiện bài bản, theo quy trình chặt chẽ. Từ tình hình địa phương để trình xin chủ trương về địa bàn, chức danh, tiếp đó mới đến việc lựa chọn nhân sự của ban, bộ, ngành T.Ư và làm việc thống nhất với các cấp ủy địa phương trước khi trình Bộ Chính trị, Ban bí thư T.Ư.
Theo ông Tô Huy Rứa, quy trình này đòi hỏi có sự đồng thuận của 6 cơ quan từ T.Ư đến địa phương nên việc một ai đó “chạy” được cả 6 cơ quan là điều không thể làm được”.
Tuy nhiên, điều mà ông Tô Huy Rứa cho rằng “không thể làm được” đã trở thành điều “có thể làm được”.
Ngày 26/3, tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Tôi đề nghị các đồng chí cần thẳng thắn thảo luận xem có chuyện đó không (chạy chức, chạy quyền - NV), mức độ thế nào cho minh bạch. Nếu có thì phải sửa, rút kinh nghiệm. Còn nếu không có thì cũng phải trả lời cho minh bạch, sòng phẳng xem ai chạy, chạy ai, đằng sau cái chạy nó là cái gì…
Cứ vào Đại hội, cứ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm là cứ râm ran chuyện vận động, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà… đấy là tình cảm hay là có cái gì đó “luồn” vào trong tình cảm đó”. Tổng Bí thư nói.
Có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại một cách nghiêm túc công tác cán bộ hiện nay bởi “hiệu quả lãnh đạo của một số cấp ủy còn hạn chế; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, nhất là ở cơ sở” như diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6 vừa qua của Tổng Bí thư.
Có lẽ cũng nên nhắc lại một lần nữa, những điều tưởng như “không thể làm được” đã trở thành điều “có thể làm được” mà không chỉ một lần với một người.
Tác giả: Bùi Hoàng Tám
Nguồn tin: Báo Dân trí