Vì bị “tố” nói tục, em Hoàng L.N. (học sinh lớp 6, Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã chịu trọn 230 cái tát từ bạn học cùng lớp và cái tát cuối cùng của cô giáo sau khi em nói “Em ghét cô”.
Cô giáo đã nhận “sai hoàn toàn” và giải thích lý do cho hành động sai lầm ấy là “áp lực thi đua”. Ban giám hiệu nhà trường cũng lên tiếng “van xin” báo chí đừng vào cuộc vì sợ… ảnh hưởng thành tích nhà trường.
Vậy thì áp lực thi đua trong nhà trường đáng sợ đến mức nào?
Ngành nghề nào cũng tạo ra phong trào thi đua, giáo dục cũng không ngoại lệ. Nhưng phải chăng lúc nào thi đua cũng là một “bệ phóng” nhằm sản sinh nguồn năng lượng tích cực thúc đẩy thầy và trò cùng tiến bước và gặt hái thành tích? Trong nhiều trường hợp, nó không đơn giản như thế!
Một ngôi trường đang phấn đấu để được công nhận là Trường chuẩn quốc gia dội áp lực thành tích xuống từng lớp học. Một cô giáo chủ nhiệm muốn lớp khỏi “đội sổ” trong thi đua nên đã nghiêm trị hành vi nói tục của học trò bằng cách đặt ra nội quy hễ vi phạm là “ăn” 10 cái tát/ 1 học sinh trong lớp.
Áp lực ấy không chỉ dừng lại ở người lãnh đạo trường học và mỗi một giáo viên công tác tại trường. Chính các em học sinh mới là người trĩu nặng đôi vai để gánh áp lực thi đua.
Con trẻ buộc phải học giỏi và chăm ngoan hơn, bởi chỉ tiêu về chất lượng hai mặt phải cao, đạt ngưỡng và vượt ngưỡng. Có như thế thì mới đảm bảo hàng loạt tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia.
Con trẻ phải học tập và rèn luyện, không phải vì hiện tại “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và tương lai xán lạng sau này.
Các con sẽ bị “gò” vào khuôn khổ mang tên “áp lực học tập”, “áp lực thành tích”. Lúc này phong trào thi đua lập thành tích lại biến thành “cơn ác mộng” của cả thầy lẫn trò.
Giả dụ học sinh không giỏi như mong muốn, lẽ nào giáo viên muốn bị nhà trường nhắc nhở, trách mắng ư? Chỉ còn cách nâng điểm, sửa điểm để đạt những con số về tỷ lệ khá, giỏi, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp đã đăng ký trước đó. Thực trạng ấy đang hiện hữu trong nhiều trường học.
Và giả dụ học sinh chưa thật sự ngoan để đạt chỉ tiêu về hạnh kiểm, việc “thay đen đổi trắng” trong xếp loại tốt, khá, trung bình lại càng dễ dàng hơn.
Những con số ảo trong báo cáo cuối năm luôn khiến lòng người mang nặng nhiều nỗi niềm. Cảnh “bội thực” điểm 10, “lạm phát” giấy khen không phải lúc nào cũng làm người ta vui sướng và phấn khởi.
Thi đua, thành tích, chỉ tiêu trong giáo dục lâu nay vẫn là những “cơn sóng ngầm” làm lung lay niềm tin của xã hội bởi những con số “ảo”. Áp lực thi đua ấy cũng đã bao lần khiến lòng người đau đáu nỗi niềm khi mối quan hệ thầy trò bị “cột chặt” vào thi đua.
Hình ảnh người thầy tát vào mặt, đánh roi đến thâm tím người học sinh đã từng xảy ra. Chung quy cũng chính vì học sinh viết bài chậm, điểm kiểm tra thấp hoặc vi phạm nội quy trường lớp. Và giờ thì không chỉ một hoặc hai cái tát, con số ấy lên đến 231 cái tát vào mặt. Và kinh khủng hơn nữa là do chính các em trong lớp ra tay tát bạn dưới sự chỉ đạo của giáo viên.
Áp lực thi đua trong mỗi giáo viên là có thật. Nhưng để mượn lý do này để bao biện cho 231 cái tát ấy là không thể chấp nhận. Nó chỉ là một trong vô vàn lý do dẫn đến hành động sai lầm đáng tiếc của cô giáo: thiếu kỹ năng sư phạm, yếu phương pháp giáo dục, nhận thức sai lầm về kỷ luật tích cực…
Sau tất cả, nỗi đau không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy chắc chắn sẽ nhận mức án kỷ luật thích đáng và một “vết nhơ” khó gột rửa sẽ in hằn trong cuộc đời một con người theo đuổi nghiệp “cầm phấn”.
Lớn hơn nỗi đau của cô giáo, sự thương tổn của cậu học trò sau 231 cái tát ấy mới thật sự đáng sợ. Vết thương trên thân thể rồi sẽ mờ nhạt theo thời gian, nhưng nỗi ám ảnh về trường lớp, về bạo lực sẽ khiến các con tự ti, mặc cảm, thu mình lại hoặc tiêm nhiễm xu hướng bạo lực từ tấm bé. Đó sẽ là mối nguy cho xã hội.
Và nỗi đau ấy in hằn trong mỗi chúng ta khi niềm tin vào phẩm chất của người thầy và sự an toàn trong môi trường học đường bị lung lay.
Tác giả: Thùy Mai
Nguồn tin: Báo Dân trí