Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan đang đợi ngày thông xe. Ảnh: Phạm Thanh |
Ðòi tiền trong vô vọng
Cao tốc La Sơn - Túy Loan đang được tăng tốc hoàn thành để chuyển giao nhà nước quản lý khai thác. Tuy nhiên, Cty Cam Lộ - Túy Loan lại bị kiện ra tòa vì liên quan tới hợp đồng tư vấn tài chính. Đây là một vụ kiện hy hữu, khi dự án này được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và khoản vốn vay nước ngoài của Cty Cam Lộ - Túy Loan được Chính phủ bảo lãnh.
Từ năm 2008 đến 2013, Cty Cam Lộ - Túy Loan loay hoay tìm nguồn vốn vay nước ngoài để thực hiện dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Khi đó, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức nhiều cuộc họp với nhà đầu tư để tìm nguồn vốn; trong đó có cuộc họp ngày 27/9/2008 và ngày 8/1/2010, gồm lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, lãnh đạo các doanh nghiệp góp vốn vào Cty Cam Lộ - Túy Loan.
Các cuộc họp này thống nhất giao ông Lê Ngọc Ẩn, khi đó là Giám đốc Cty Cam Lộ - Túy Loan làm đại diện tìm vốn vay lãi suất thấp, kỳ hạn dài để thực hiện dự án. Tháng 8/2013, ông Ẩn đã ký hợp đồng tư vấn tài chính với Cty TNHH Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Triều Anh (Cty Triều Anh), để công ty này đứng ra tìm nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài cho Cty Cam Lộ- Túy Loan. Phí tư vấn được tính bằng 3% tổng số vốn ngân hàng giải ngân cho dự án.
Năm 2014, qua trung gian là Cty Triều Anh, một ngân hàng của Nhật Bản đã ký hợp đồng cho Cty Cam Lộ - Túy Loan vay 510 triệu USD với bảo lãnh Chính phủ, thời hạn vay 12 năm, lãi suất 2,52%/năm. Tới nay, khoản vay trên đã giải ngân được 465 triệu USD. Do đó, theo hợp đồng, Cty Cam Lộ - Túy Loan phải trả cho Cty Triều Anh phí tư vấn bằng 3% số tiền đã giải ngân, nghĩa là hơn 13,9 triệu USD (tương đương hơn 319 tỷ đồng). Dù Cty Triều Anh đã có nhiều văn bản yêu cầu Cty Cam Lộ - Túy Loan thực hiện hợp đồng, những văn bản này sau đó rơi vào im lặng. Để bảo vệ quyền lợi theo hợp đồng, mới đây Cty Triều Anh đã đâm đơn khởi kiện Cty Cam Lộ - Túy Loan ra Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ Bộ Tài chính cho hay, hiện tại trong một số trường hợp, Nhà nước vẫn thuê tư vấn tài chính; điển hình là thuê đơn vị quảng bá, xúc tiến để phát hành trái phiếu, hay chào bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước... Tuy nhiên, phần chi phí thuê tư vấn phải được ghi rõ trong phương án tài chính và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Giám đốc ký vượt quyền?
Lý giải về hợp đồng trên, Tổng Giám đốc Cty Cam Lộ - Túy Loan Võ Việt Phương cho biết, hợp đồng tư vấn trên do giám đốc trước đó là ông Lê Ngọc Ẩn ký. Tuy nhiên, theo ông Phương, với các hợp đồng kinh tế, giám đốc chỉ được ký khi có biên bản đồng ý của Hội đồng thành viên (HĐTV) Cty Cam Lộ- Túy Loan. “Do hợp đồng thuê tư vấn tài chính trên không có biên bản của HĐTV, nên không có tính pháp lý”, ông Phương nói về lý do từ chối thanh toán phí tư vấn theo hợp đồng. Do vụ việc đã được tòa thụ lý, nên Cty Cam Lộ - Túy Loan đợi phán quyết của tòa.
Còn một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, do khoản vay cho tuyến đường La Sơn - Túy Loan được Chính phủ bảo lãnh, nên không phải muốn chi sao cũng được. Đặc biệt là với hợp đồng tư vấn trên, khoản chi hoa hồng tư vấn lên tới hơn 300 tỷ đồng là bất thường.
Dự án đường cao tốc La Sơn- Túy Loan, giai đoạn 1 dài 77,6km. Đây là đoạn cao tốc trùng quy hoạch giữa đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng, sử dụng vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. |
Tác giả: PHẠM THANH
Nguồn tin: Báo Tiền phong