Kinh tế

Tự tạo cơ hội: Thuần dưỡng cá chình giống

Đang làm tại trung tâm khuyến ngư, anh Huỳnh Thanh Lãm quyết định nghỉ việc về nhà làm kinh tế bằng việc nuôi và thuần dưỡng cá chình giống.

Anh Lãm kiểm tra đàn cá chình giống. Ảnh: Nguyên Đạt

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Cần Thơ, anh Lãm (36 tuổi, ngụ khóm 7, P.6, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) về làm việc tại Trung tâm khuyến ngư thuộc Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau. “Làm cho nhà nước công việc tuy ổn định nhưng thu nhập lại thấp nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong quá trình làm việc, để có thêm thu nhập tôi phải làm thêm nghề nuôi và ương cá giống để bán. Rồi 4 năm sau, tôi quyết định nghỉ việc về nhà làm kinh tế”, anh Lãm chia sẻ.

TP.Cà Mau và những huyện lân cận là vùng nuôi cá chình chính của tỉnh. Thế nhưng, người dân phải đến tỉnh Bạc Liêu hoặc ra tận miền Trung mua cá giống nên rất tốn kém, thậm chí mua nhằm nguồn giống kém chất lượng dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, có khi lên đến 35 - 50%. “Gia đình tôi cũng gặp cảnh tương tự. Từ đó tôi nghĩ nếu mình cung cấp được con giống chất lượng ra thị trường thì đây sẽ là hướng mở cho kinh tế gia đình, đồng thời cung cấp nguồn giống tốt, ổn định giúp nghề nuôi cá địa phương phát triển ổn định”, anh Lãm nói.

Năm 2011, anh Lãm bắt đầu thử nghiệm thuần hóa cá chình giống bằng ao đất. Lúc này, anh ra tận Phú Yên, Bình Định tìm mua con giống loại 200 - 300 con/kg về thuần dưỡng. Sau nhiều lần thất bại vì tỷ lệ cá sống thấp, cuối cùng cũng thành công, cá chình do anh thuần dưỡng được nhiều người biết và tìm đến mua con giống. Anh Lãm cho biết: “Thực tế, việc thuần dưỡng trong ao đất chủ yếu để cá quen với nguồn nước, khí hậu, thức ăn... Khi cá đạt kích cỡ từ 15 - 20 con/kg thì có thể bán giống cho các hộ nuôi. Bởi nuôi cá chình ngoài nguồn nước thì con giống rất quan trọng, nếu giống đã qua thuần dưỡng thì sẽ thuận lợi khi nuôi và thường đạt tỷ lệ thành công trên 95%”.

Anh Lãm chia sẻ nếu việc thuần dưỡng cá giống thuận lợi thì lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi cá thương phẩm, nhất là những tháng kiệt nước. Khi đó, người nuôi tìm mua cá giống đã được thuần dưỡng đạt kích cỡ xuất bán về nuôi. Tuy nhiên, theo anh Lãm, do nguồn cá chình giống hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên mà chủ yếu ở miền Trung, khác thổ nhưỡng, khác nguồn nước nên khi đưa vô miền Nam thuần dưỡng gặp nhiều bất lợi, gian nan. Vì vậy, sau khi thuần dưỡng cá giống thành công, anh Lãm rất mừng vì phần nào góp phần giải quyết được vấn đề con giống cho người nuôi. Đặc biệt, con cá ương thuần qua nước ngọt đã quen với môi trường, người nuôi mua về thả rất an tâm, cá mau ăn, mau lớn, tỷ lệ hao hụt thấp.

Cơ sở cá giống của anh Lãm có đủ các cỡ cá để khách hàng lựa chọn theo nhu cầu. Anh không sử dụng thức ăn công nghiệp mà chủ yếu là tận dụng thức ăn sẵn có tại địa phương như: trùn chỉ, tôm, cá tạp... Công việc vừa ương cá giống vừa nuôi của anh Lãm được nhiều người nuôi tin tưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của anh. Hiện nay, với nghề thuần dưỡng cá chình giống, mỗi năm anh Lãm xuất bán từ 4.000 - 5.000 con, thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Ngoài ra, anh còn thu nhập gần 300 triệu đồng từ cá chình thương phẩm. Bà con mua giống luôn được anh Lãm nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi. “Con tôm, con cá rủi ro rất lớn, nếu gặp sự cố sẽ mất vài năm sau mới phục hồi. Vì vậy, nếu bà con có nhu cầu hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi thì tôi luôn sẵn sàng chia sẻ qua số điện thoại: 0913068080. Nhưng trước hết người nuôi cần phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm riêng cho bản thân, tận dụng triệt để những điều kiện sẵn có, mỗi thứ tiết kiệm một ít sẽ đạt hiệu quả cao”, anh Lãm nói.

Tác giả bài viết: Nguyên Đạt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP