Ông Phan Văn Thái (điện thoại: 0914017954) hướng dẫn cách phân biệt vịt trời với các loài vịt khác
Sau 3 tháng chăm sóc, đàn vịt trời bắt đầu sinh sản. Có được số trứng giống đầu tiên, ông Thái mua một chiếc máy ấp công suất 1.000 trứng và cho ấp thành công. “Tết Đoan ngọ (5.5 âm lịch) vừa qua, tôi chọn số vịt lớn xuất bán và được thị trường đón nhận ngoài sự mong đợi. Với đặc điểm thịt dai, thơm ngon, nhiều thực khách đã quyết định đặt mua vịt trời từ trang trại của tôi”, ông Thái nói và cho biết, để đảm bảo liên tục có nguồn hàng cung cấp, ông chọn cách nuôi gối đầu với nhiều lứa tuổi khác nhau. Đến nay, ông Thái có đàn vịt gần 2.000 con, trung bình mỗi ngày vịt giống đẻ khoảng 120 - 150 trứng. Từ kinh nghiệm tích lũy và tự học hỏi trong nhân giống, ông Thái đã mua thêm một máy ấp công suất 3.000 trứng để có thêm nguồn vịt giống bán ra thị trường. “Tôi đang bán vịt cho 10 điểm với số lượng hàng trăm con mỗi tháng. Với giá bán từ 120.000 - 125.000 đồng/con vịt thịt và 15.000 đồng/con vịt giống, mỗi tháng trừ các chi phí xong, tôi bỏ túi 20 triệu đồng tiền lãi”, ông Thái nói.
Là giống tự nhiên được thuần chủng nên theo ông Thái, vịt trời thường rất dễ nuôi và có sức đề kháng cao với các loại dịch bệnh. Tuy nhiên, để ăn chắc, ông thường tiêm phòng 2 lần và cho uống thuốc 1 lần với đàn vịt dưới 20 ngày tuổi. Sau khi đã ngừa bệnh, đàn vịt được thả nuôi tự nhiên trong hồ có rào lưới và cho ăn thức ăn là hỗn hợp gồm cám, rau xanh... Đến khi đạt khoảng 3 tháng tuổi, cân nặng từ 1 - 1,2 kg/con là có thể xuất chuồng. Ông Thái cho biết vì bản tính là con giống hoang dã nên khi làm chuồng phải chú ý đến việc đặt gần ao, hồ, đảm bảo khu vực nào cũng phải có nước để vịt ngâm mình. “Tuy vậy, nuôi vịt trời lại không đòi hỏi diện tích ao hồ lớn nên những hộ gia đình có vườn nhỏ vẫn có thể thả nuôi. Hoặc những gia đình có bể nuôi cá trê, chuồng heo bỏ không vẫn có thể tận dụng để làm hồ được”, ông Thái chia sẻ.
Với những người mua con giống về nuôi, ngoài việc tận tình hướng dẫn kỹ thuật, ông Thái còn dặn dò kỹ về việc tìm kiếm đầu ra. Đặc biệt, theo ông Thái, hiện nay trên thị trường có một loại “vịt chì” với màu lông gần giống với màu lông vịt trời thuần chủng nên khách hàng rất dễ bị nhầm lẫn. “Vịt chì” có tên như vậy là do mỏ con vịt này có màu xám như chì, thường nặng hơn vịt trời vài lạng nhưng lại có giá rẻ hơn. “Để phân biệt với loại vịt này và tránh bị trà trộn loại vịt có chất lượng thịt thấp, khi mua vịt, người tiêu dùng chỉ cần quan sát phía trước mỏ vịt có một đoạn màu vàng bằng móng tay, chân có màu hơi hồng thì đó mới đích thực là vịt trời”, ông Thái cho hay.
Tác giả bài viết: Hoàng Sơn