Pháp luật

Từ đứa trẻ vá xăm thành ông chủ rồi tan nát cuộc đời vì "chiếu đỏ đen"

Đây là một bị án để lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng nhất cho cán bộ quản giáo bởi trước khi phạm tội có một hoàn cảnh hết sức éo le.

Trong chuyến công tác tại Trại tạm giam Trần Phú, Hải Phòng, qua sự giới thiệu của cán bộ quản giáo, tôi từng được gặp 1 bị án tuổi đời chỉ mới ngoài 20 phạm tội giết người, cướp tài sản.

Thế nhưng đây lại là một bị án để lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng nhất cho cán bộ quản giáo bởi tử tù này trước khi phạm tội có một hoàn cảnh hết sức éo le, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Hồ Xuân Phú khi gặp PV ở trại giam.

Lận đận “thân cò”

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhà lại nằm ở khu vực đồi núi đá, đồng ruộng ít, bố mắc bệnh mất sớm. 15 tuổi, vừa mới học hết lớp 9, Hồ Xuân Phú (SN 1987) ở thôn Ao La, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã phải tạm dừng việc học hành ở nhà để nhường suất đi học cho em.

Nghỉ học ở nhà, thấy mẹ mình hàng ngày phải vã mồ hôi, sờn vai áo đi vác đá thuê để duy trì sự sống cho năm miệng ăn trong nhà. Mặc dù thân hình nhỏ thó lại còm cõi vì hay đau ốm nhưng Phú tỏ ra là một người con rất hiếu thảo, chịu thương chịu khó.

Thương vai áo mẹ, không đủ sức khỏe đi vác đá nhặt vôi, Phú đề nghị được được dùng “sức nhỏ” của mình để làm những việc nhỏ.

Sau nhiều lần năn nỉ, cuối cùng Phú cũng được mẹ mình đồng ý cho đi canh ao cá tại một nhà anh em họ để tự lo lấy bữa cơm cho mình.

Nói là đi trông ao thế nhưng ngày nào cũng vậy dù nắng hay mưa cứ mơ sớm là Phú lại phải lặn lội ra bờ ao cắt cỏ cho cá, trầm mình xuống nước bắt tôm, xúc tép cho “ông chủ” đi bán.

Công việc có phần hơi vất vả nhưng đổi lại Phú tự nuôi được bản thân và thi thoảng còn mang về được cho mẹ vài lạng tôm, con cá để cải thiện bữa ăn nên sương sớm hay nắng hè cũng không phải là điều khiến Phú nhụt chí.

“Nó (Phú – PV) đi trông ao được mấy tháng, thỉnh thoảng tôi ra thăm cháu thấy trời mưa phùn rét căm căm mà nó vẫn cứ quàng áo mưa lội xuống ao cắt cỏ với bắt cá, xót con quá nên tôi không cho đi làm nữa”. – Bà Đỗ Thị Mây, mẹ của Phú nhớ lại.

Không được mẹ cho đi “mò cua bắt ốc”, những ngày đầu nghỉ việc Phú ở nhà đi theo đám bạn lên đồi thả bò giúp mẹ. Thế nhưng, công việc xem ra có vẻ nhàn hạ và phù hợp với lứa tuổi này cũng chỉ diễn ra được một thời gian.

Năm 2005 sức khỏe của bà Mây dần giảm sút do những lần gắng sức vác đá dẫn tới bị lao lực, gai khớp gối và tiểu đường… bệnh tật liên miên.

Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài việc đến vụ cấy ba sào ruộng lấy gạo ăn thì những lúc nhàn rỗi Phú cùng hai chị gái đầu lại cùng nhau đi nhặt vôi, vác đá thuê để lấy tiền giúp đỡ mẹ và nuôi em ăn học.

Thương con khổ cực vì cảnh côi cút mất cha, nhà lại đông miệng ăn nên hễ người cứ khỏe lên một ít là bà Mây lại cầm gang tay, đeo giầy đi nhặt vôi cùng các con để rồi tối đến về nhà lại âm thầm chịu đựng những cơn đau hành hạ. Dù rất thương và muốn đỡ đần gánh nặng tài chính cho bà Mây.

Thế nhưng, với thân hình gầy guộc nặng chưa đầy 40kg, sức khỏe yếu nên mới đi vác đá được vài ngày Phú đã bị đá rơi vào chân đành phải nghỉ ở nhà.

Từ vá săm đến thành ông chủ

Sau khi vết thương ở chân lành lặn. Không chịu khuất phục trước khó khăn. Bằng những kiến thức học mót, học lỏm được sau những lần ra quán sửa xe đạp. Năm 2006, Phú cũng thử hành nghề vá săm xe đạp.

Nhà ở mãi gần đỉnh đồi thế nhưng ngày nào Phú cũng bưng một chậu nước cùng với mấy cái cờ - lê, moóc lốp và nhựa vá săm từ trên nhà xuống dưới đường cắm một cành cây để che nắng ngồi sửa xe.

“Ngày nào nó cũng ngồi đấy vá săm, trong khi bạn bè vẫn đạp xe đi học qua nhưng nó cũng không xấu hổ đâu. Sau này tôi thấy thương quá mới làm cho nó một cái lều nhỏ để ngồi trú lúc mưa nắng. Nó làm cũng tốt duyên nên đông khách lắm anh ạ…” – bà Mây nhớ lại về Phú trong niềm tự hào.

Sau gần một năm làm nghề bơm vá, do tính tình hiền lành chất phát lại sửa xe có uy tín nên Phú được nhiều người quý mến, lượng khách cứ thế ngày một đông lên.

Tuy còn ít tuổi nhưng Phú cũng nhận biết được rằng mình đã tạo được thương hiệu riêng và cần phải nắm lấy cơ hội này để phát triển, Phú liền về nhà xin mẹ cho đi học sửa chữa xe máy.

Nghe con nói xe đạp dần dần cũng lỗi thời và muốn học nghề sửa chữa xe máy để vừa tận dụng được khách hàng lại có thể nâng cao đời sống cho gia đình, bà Mây cũng lấy làm mừng cho Phú đã trưởng thành và biết lo toan.

Thế nhưng, nghĩ đến việc Phú ra trung tâm học và phải mất tiền triệu thì đó là một khoản tiền quá lớn đối với gia đình bà.

“Để thỏa lòng mong muốn của nó, tôi phải nhờ một người quen làm nghề sửa chữa xe máy ở trên trung tâm huyện Thủy Nguyên cho nó được lên đó vừa phụ việc vặt không công vừa tranh thủ học nghề”. – Bà Mây nhớ lại.

Sau khi được ông chủ đồng ý, ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là Phú lại ăn cơm nhà rồi lóc cóc đạp xe vượt hàng chục cây số đi học nghề.

Hàng ngày Phú được ông chủ cho phụ giúp ông sửa chữa xe máy, những lúc rảnh rỗi Phú còn được ông chủ tốt bụng dạy thêm cho cách đấu nối điện hay sửa chữa máy móc, động cơ của xe.

Vốn nhanh chí và thông minh, mặc dù không được học hành bài bản nhưng sau sáu tháng trời ròng rã, cuối cùng tay nghề của Phú cũng tạm ổn, Phú liền về nhà bảo bà Mây đi thuê mặt bằng để mở cửa hàng sửa xe máy riêng và được bà đồng ý thuê cho Phú một quán nhỏ ở gần đường liên xã, cách nhà khoảng 2km, rộng chừng hơn chục mét vuông với giá 200 nghìn đồng/ tháng để làm cơ sở lập nghiệp.

Do điều kiện gia đình khó khăn không có đủ tiền để mua sắm những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công việc, nhưng vốn đã có uy tín từ lúc còn làm nghề sửa xe đạp nên khi Phú mở cửa hàng xe máy ra khách hàng vẫn cứ kéo đến nườm nượp.

Từ cơ sở ban đầu chỉ có vài cái lốp, săm và bình nén khí để sửa chữa đơn giản dần dần Phú đã tích cóp được tiền để mua máy mài, máy vặn bu lông… cùng nhiều phụ tùng, dụng cụ khác rồi trở thành một ông chủ cửa hàng sửa chữa xe máy “nho nhỏ”.

Ngoài những lúc sửa chữa xe, hễ thấy có ai muốn nhờ đặt mua hộ xe cũ là Phú lại đi tìm về bán, mỗi chiếc xe qua tay Phú cũng kiếm được vài ba trăm nghìn bỏ túi.

Với bản chất chịu thương chịu khó lại hiền lành nên Phú được nhiều người tin tưởng tìm đến nhờ sửa xe khiến ông chủ làm không hết việc. Sau hơn một năm làm nghề sửa chữa và mua bán xe máy cũ, công việc của Phú ngày càng ổn định, đời sống của gia đình đã được nâng cao rõ dệt.

Không những thế, Phú còn giành giụm gửi tiết kiệm cho mẹ được hơn 70 triệu đồng vào ngân hàng để phòng những lúc bà Mây ốm đau còn có tiền chạy chữa.

Cầm cuốn sổ tiết kiệm Phú đưa, thấy con mình thành đạt bà Mây mừng ra nước mắt, thầm cảm ơn ông trời chẳng phụ công bà ở vậy nuôi bốn đứa con khôn lớn. Những chuỗi ngày cơ cực, ăn bữa nay phải lo bữa mai cũng phai dần trong tâm tưởng bà.

Thấy gia đình bà Mây ăn nên làm ra, hàng xóm ai cũng mừng cho bà đã sinh được thằng con “quý tử” biết thương mẹ và họ thầm chúc cho bà sẽ được sống an nhàn để vui vầy cùng con cháu khi tuổi cũng đã về già.

Thế nhưng, cuộc sống vốn lắt léo éo le, cái tổ ấm vốn dĩ đã không được lành lặn một lần nữa lại bị “xé toang” khi đứa con “quý tử” của bà vương vào vòng lao lý.

Họa vô đơn chí

Theo như bà Mây – mẹ của Phú kể lại, năm nào cũng vậy, cứ hết bảy ngày tết là Phú bắt đầu ra quán sửa chữa xe như ngày thường. Do cửa hàng bị hết phụ tùng thay thế nên sáng ngày 8 tết âm lịch năm 2009, Phú đi xe máy lên trung tâm huyện để nhập thêm.

Trên đường về, Phú bị một chiếc xe khác quệt phải, ngã xuống đường dẫn đến bất tỉnh. Do chủ quan không đưa Phú lên ngay bệnh viện tuyến trên để chữa trị nên sau đó Phú bị mất quá nhiều máu, hỏng lá lách và phải cắt bỏ, lần đó các bác sỹ phải truyền hàng chục bịch máu mới cứu sống được Phú.

“Sau lần mổ thứ nhất, vết thương của nó (Phú – Pv) lại bị nhiễm trùng và phải lên bệnh viện Việt Tiệp để mổ lại. Từ đấy sức khỏe của nó giảm sút đi rất nhiều lắm, người cứ xanh xao hom hem không ăn được, sau đó tôi phải mua 40 hộp sữa phục hồi sức khỏe mất hơn 20 triệu cho nó uống mới thấy người hồi lại được ít nhưng nó vẫn cứ thẫn thờ chẳng làm được gì. Tôi cứ tưởng nó không sống nổi nữa”. – bà Mây xót xa kể.

Sau gần một năm ở nhà điều trị vết thương và tẩm bổ nhưng sức khỏe vẫn không hồi phục được là bao nên Phú vẫn chưa thể tiếp tục sửa chữa xe máy được.

Tuy nhiên, do ở ngoài cửa hàng vẫn còn nhiều đồ đạc có giá trị khác nên hàng ngày Phú vẫn phải ra để trông quán và cũng từ đây Phú bắt đầu bị bạn bè rủ rê sa ngã vào con đường cờ bạc rồi trong lúc túng tiền trả nợ Phú đã giết người để cướp tài sản và bị tòa tuyên cho án tử lửng lơ trên đầu…

Tác giả: Văn Minh

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP