Điều 40 BLHS 2015 nêu rõ, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Đối tượng có hành vi tham ô, tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc (ảnh minh họa) |
Cũng theo điều luật này, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong các trường hợp này, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Phân tích về quy định trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, những người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản tham ô, hối lộ. Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ. Nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng thì Nhà nước không thu hồi lại được tiền, mục đích cuối cùng không đạt được. Do vậy, quy định tại Điều 40 BLHS đã khuyến khích tội phạm ăn năn hối cải, bồi hoàn tài sản chiếm đoạt trái quy định, có các biện pháp khắc phục hậu quả, giúp Nhà nước thu hồi tài sản một cách thuận lợi.
Hơn nữa, việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ được miễn án tử hình, nhưng không có nghĩa là 1/4 tài sản còn lại không bị thu hồi. Việc đối tượng vi phạm nộp lại 3/4 tài sản chỉ là một trong những điều kiện cần để được xem xét không thi hành án án tử hình. 1/4 tài sản bị cáo vẫn phải nộp lại theo quy định và người phạm tội vẫn phải chịu án tù giam. Tuy vậy, trên thực tế, việc tính toán tài sản của đối tượng tham ô là điều không dễ dàng, đặc biệt là trong trường hợp tài sản đó đã chuyển sang cho người khác hoặc được hợp pháp hóa bằng nhiều hình thức khác nhau – Luật sư Nguyễn Thị Thu bày tỏ quan điểm.
Tác giả: Huệ Linh
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô