Trong khi nhiều trường ĐH, CĐ ngoài sư phạm đã ổn định tuyển sinh thì nhiều trường sư phạm vẫn đang trông ngóng tuyển bổ sung. Kết thúc xét tuyển đợt 1 theo kết quả kỳ thi THPT 2018, nhiều trường ĐH, CĐ khối sư phạm mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu.
TS Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho biết trong các ngành tuyển sinh của trường thì trong đợt 1 xét tuyển trường đạt 50% chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; khối các ngành sư phạm khác trường không thể mở lớp vì không tuyển đủ chỉ tiêu. "Kinh nghiệm cho thấy sau đợt 1 xét tuyển, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu giáo dục mầm non và tiểu học" - TS Chiến nói.
Tân sinh viên nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH |
Kết thúc tuyển sinh đợt 1, Trường CĐ Bà Rịa - Vũng Tàu mới tuyển được 50% chỉ tiêu. Một đại diện của trường cho biết kết quả tuyển sinh đợt 1, trường mới tuyển sinh được chừng hơn 50% chỉ tiêu 2 ngành sư phạm của trường là lịch sử và tin học. Hiện số lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung chưa có thống kê cụ thể nhưng không nhiều.
Ở nhiều trường sư phạm khác, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung không nhiều. Hiệu trưởng một trường ĐH sư phạm ở TP HCM cho rằng ưu đãi không cao nhưng điểm chuẩn cao thì ngành sư phạm khó hút thí sinh là điều dễ hiểu. Ngành sư phạm cần tạo đột phá để thu hút thí sinh ngay từ đợt đầu như trường quân đội, công an hay y dược chứ không nên để phải tuyển sinh bổ sung.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng quy mô trường sư phạm trên cả nước quá nhiều nhưng thiếu chất lượng, đào tạo không theo nhu cầu và người học ra trường không tìm được việc làm trong thời gian dài khiến ngành sư phạm không hấp dẫn. TS Trịnh Đào Chiến nói điểm sàn cao thực sự là thách thức đối với trường sư phạm dù nhu cầu nâng cao chất lượng giáo viên là tất yếu.
Trong khi đó, lý giải về việc sư phạm khó tuyển đủ chỉ tiêu, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng trong nhiều năm qua, sinh viên học sư phạm được miễn học phí nên nhiều thí sinh thay vì học ngành khác lại đăng ký học sư phạm dù không biết ra trường có tìm được việc làm hay không. Nếu như sinh viên học sư phạm phải đóng học phí như nhiều ngành khác thì tuyển sinh vào sư phạm lại càng khó khăn hơn.
Tác giả: Huy Lân
Nguồn tin: Báo Người lao động