Ưu ái nhận trẻ là cháu cán bộ xã, con giáo viên?
Sáng 24/11, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi xác nhận với PV Người Đưa Tin Pháp luật về việc đã ký văn bản 2653/UBND-TTH, nội dung là trả lời ý kiến đơn của công dân phản ánh tình trạng nhận học sinh ở độ tuổi mầm non ngoài danh sách trong nhiều năm của trường mầm non Trung An 1 (xã Trung An).
Theo kết quả kiểm tra, xác minh của UBND huyện cho biết, trước năm học 2016 – 2017, nhà trường vẫn thực hiện giữ trẻ đúng quy định.
Nhưng từ thời điểm đó đến năm học 2019 – 2020, nhà trường bắt đầu thực hiện giữ trẻ không đúng quy định. Việc này do bà Nguyễn Thị Gái – nguyên Hiệu trưởng ra quyết định nhưng có thông qua ban giám hiệu và hội đồng sư phạm trường. Tập thể giáo viên đã thống nhất thực hiện chủ trương này.
|
Tổng số trẻ để ngoài danh sách trong vòng 4 năm học (từ 2016 – 2017 đến 2019 – 2020) là 32 trẻ. Trong đó đông nhất là năm học 2019 – 2020 và 2018 – 2019, nhà trường nhận giữ lần lượt là 11 và 10 trẻ ngoài danh sách.
Năm học 2016 – 2017 có 4 trẻ (2 trẻ là cháu của Hiệu trưởng, 1 trẻ là cháu công chức xã Trung An, 1 trẻ con người dân). Năm học 2017- 2018 là 7 trẻ ( 1 trẻ là con giáo viên, 6 trẻ là con người dân).
Năm học 2018 – 2019 là 10 trẻ (3 trẻ là con và cháu của giáo viên nhà trường, 7 trẻ là con người dân). Và năm học 2019 – 2020 có 11 trẻ (6 trẻ là con giáo viên, 5 trẻ là con người dân).
Trẻ có hộ khẩu thường trú tại các xã như: Trung An, Hòa Phú, Phú Hòa Đông và Tân Thạnh Đông. Trẻ có độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi, riêng năm 2019 có 3 trẻ 4 tuổi.
Việc thu chi tài chính liên quan đến số trẻ giữ không đúng quy định được theo dõi dưới hình thức mở sổ theo dõi riêng (tập học sinh), không thực hiện quyết toán thu chi theo quy định.
Tổng thu đối với trẻ ngoài danh sách trong năm học 2016 – 2017 là 20,37 triệu đồng (tồn sau chi là 39 nghìn đồng). Năm học tiếp theo là 39,39 triệu đồng (tồn sau chi là 527 nghìn đồng).
Đến năm học 2018 – 2019, tổng thu tăng đột biến lên mức 99,16 triệu đồng và tồn sau chi là hơn 7,1 triệu đồng. Qua năm học sau, tổng thu giảm đột ngột, chỉ thể hiện là hơn 6,2 triệu đồng nhưng tổng chi lên mức 13,4 triệu đồng. Trong khi số lượng trẻ giữ ngoài danh sách của năm sau cao hơn năm trước.
Những trẻ được nhận giữ và để ngoài danh sách thuộc đối tượng nhập học không đúng tuyến, không đúng độ tuổi nên Hiệu trưởng đã chỉ đạo một số giáo viên cho cháu vào lớp, nhưng không mở sổ theo dõi. Khẩu phần ăn của những trẻ giữ không đúng quy định được phục vụ giống như trẻ có tên trong danh sách.
Mà việc theo dõi, cập nhật được tiến hành bằng danh sách riêng. Tư đó, nhà trường để xảy ra sai phạm trong xây dựng nội dung thu, chi định mức trong quy chế chi tiêu nội bộ. Cụ thể là cán bộ kế toán và thủ quỹ đã thực hiện theo chỉ đạo của Hiệu trưởng.
Tiền học phí và các khoản thu khác bằng tiền mặt, phụ huynh ký tên trong sổ thu và thanh toán nên thu tiền không xuất biên lai.
Thoát kỷ luật vì đã nghỉ hưu
Làm việc với đoàn công tác của UBND huyện Củ Chi, đại diện nhà trường giải trình rằng Hiệu trưởng có công khai số liệu thu chi, tồn giữ trẻ không đúng quy định trước hội đồng sư phạm bằng hình thức đọc thông qua số liệu. Tuy nhiên, khi kiểm tra biên bản họp hội đồng thì lại không có nội dung này.
Bà Nguyễn Thị Gái – nguyên Hiệu trưởng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là vì nguồn thu của nhà trường không đủ để chi cho các hoạt động.
Trong khi một số người quen có nhu cầu gửi trẻ mà bà Gái không tiện từ chối nên mới có chủ trương nhận trẻ ngoài danh sách.
Bà Gái khẳng định, đề xuất và chỉ đạo việc giữ trẻ, để ngoài sổ sách kế toán nguồn thu của bà với tập thế sư phạm nhằm dùng số tiền dôi dư chi hỗ trợ cho một số hoạt động của nhà trường. Đến tháng 10/2019, việc giữ trẻ ngoài danh sách đã chấm dứt.
Kết luận kiểm tra của UBND huyện Củ Chi nêu rõ, để xảy ra sự việc, trách nhiệm thuộc về bà Nguyễn Thị Gái (nguyên Hiệu trưởng nhà trường, đã nghỉ hưu từ năm 2019), bà Bùi Ngọc Minh (nguyên Phó Hiệu trưởng, đã nghỉ hưu năm 2017) và bà Cao Thị Hồng (Phó Hiệu trưởng), bà Hồ Anh Uyên (kế toán) và tập thể giáo viên nhà trường.
Đối với biện pháp xử lý, bà Gái và bà Minh đã nghỉ hưu nên không áp dụng thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật. Bởi lẽ, luật Cán bộ, công chức năm 2008 và luật Viên chức 2010 chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu.
Còn bà Hồng và bà Uyên đã thành khẩn, hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình làm việc. Các sai phạm tài chính đều do bà Gái thông qua hội đồng sư phạm, tập thể giáo viên để thực hiện. Vì thế, xác định bà Hồng và bà Uyên là do thiếu kiên quyết trong đấu trang với lãnh đạo cấp trên. Hành vi không vì mục đích vụ lợi cá nhân, không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hội đồng sư phạm, tập thể giáo viên trường mầm non Trung An 1 trong năm học 2017 - 2018. |
Từ đó, lãnh đạo UBND huyện Củ Chi giao phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra huyện, phòng GD&ĐT, phòng Tài chính - Kế hoạch, Đảng ủy – UBND xã Trung An và tập thể giáo viên, nhân viên trường mầm non Trung An 1 tiến hành họp kiểm điểm đối với các cá nhân, tập thể sai phạm.
Kết quả cuộc họp là 15/19 giáo viên, nhân viên thống nhất với hình thức phê bình rút kinh nghiệm. Còn lại 4/19 là không đồng ý. Vì thế, UBND huyện Củ Chi ban hành quyết định phê bình đối với các cá nhân, tập thể sai phạm tại trường mầm non Trung An 1.
Trường mầm non Trung An 1 trước đây là trường mẫu giáo Bông Sen 16, quyết định thành lập năm 1978 sau 2 năm là tổ mầm non của xã.
Đến năm 2010, trường mẫu giáo Bông sen 16 được đổi tên thành trường mầm non Trung An 1 theo quyết định số 7268/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2010 của UBND huyện Củ Chi.
Tác giả: Nguyễn Thành Nhân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn