Trước năm 2009, trong 15 thôn của xã Lộc An, huyện Phú Lộc, thì Phước Trạch và Châu Thành được liệt vào danh sách 2 thôn thuộc vùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến việc học tập của học sinh rất vất vả. Tháng 11/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ “Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, đầu tư xây dựng trường Tiểu học Phước Trạch (tổng kinh phí 434 triệu đồng) từ ngân sách Nhà nước và vốn vay.
Trường được xây dựng gồm 2 phòng học, một phòng giáo viên, một nhà vệ sinh, trên diện tích khoảng 1.000 m2, đến tháng 1/2010 hoàn thành. Được đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, ngôi trường rơi vào tình trạng hoang phế từ năm 2011.
Từ khi bỏ hoang, khuôn viên sân trường được nhiều hộ dân tận dụng làm nơi chăn thả, nhốt giữ trâu bò, dẫn đến tình trạng mất vệ sinh. Nhiều nơi, cỏ dại mọc um tùm, che khuất cả lối vào.
Ông Hồ Đắc Sự, Chủ tịch xã Lộc An cho hay, trước đây Phước Trạch là thôn “3 không” (không điện, không trường học và không trạm y tế) nên việc lựa chọn xây dựng điểm trường tiểu học ở thôn đã tạo điều kiện học tập cho học sinh. Tuy nhiên, về sau kinh tế địa phương phát triển, nhiều hộ dân đã cho con em đến những trường học lớn hơn. Từ đó, ngôi trường rơi vào tình trạng hoang phế.
Trước thực trạng bỏ không, ông Sự cho biết sẽ kiến nghị lãnh đạo xin được chuyển ngôi trường thành nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân trong thôn có điểm liên lạc, tổ chức các cuộc hội họp, tránh tình trạng lãng phí nguồn ngân sách.
Sau 5 năm không được đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục như cửa chính và cửa sổ đã mục ruỗng. Những cánh cửa này luôn ở trong tình trạng khóa kín, không được trùng tu, sửa chữa.
Trong khi đó, mặt sàn nhiều nơi nứt nẻ, sụt lún. Nhiều hộ dân biến ngôi trường thành nơi tập kết củi khô.
Bàn ghế bên trong các phòng học hư hại nghiêm trọng.
Dãy nhà vệ sinh hoang tàn, hệ thống cửa hư hỏng, nứt toác. “Trường mới xây, màu sơn còn mới mà lại bỏ hoang trong khi người dân không có điểm sinh hoạt mỗi lần họp thôn”, một hộ dân sống gần điểm trưởng bỏ hoang chia sẻ.
Trước việc điểm trường tiểu học thôn Phước Trạch thành nơi chăn thả trâu bò, bà Cái Thị Cẩm Hương, quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc cho hay, huyện vẫn còn nhiều trường học trong tình trạng hoang phế, không được sử dụng. “Chúng tôi đang lên danh sách những cơ sở, điểm trường nhỏ lẻ ở nhiều địa phương để kiến nghị với lãnh đạo huyện, ngành chức năng liên quan cho phép chuyển đổi thành thư viên phục vụ việc đọc sách cho người dân hay giao lại cho chính quyền sở tại chuyển thành nhà văn hóa thôn”, bà Hương thông tin.
Trong khi huyện Phú Lộc ghi nhận nhiều điểm trường nhỏ lẻ bị dư thừa, bỏ hoang và không sử dụng thì gần 300 học sinh của Trường THCS Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô) lại phải học dưới mái trường tạm bợ, chờ sập. Điểm trường này đã quá hạn sử dụng và được ngành chức năng đưa vào diện cần đập bỏ, xây dựng trường mới để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tác giả bài viết: Đức Đức