Đang chờ bổ nhiệm chức danh thì bị cắt hợp đồng
Theo đơn phản ánh của chị Thủy, chị được tuyển vào làm cán bộ HĐ tại Phòng Đào tạo sau ĐH của Trường ĐHKH từ ngày 1/6/2014. Trước đó, chị được công nhận là viên chức trúng tuyển và có quyết định làm chuyên viên tập sự với HĐ làm việc có thời hạn từ ngày 1/3/2015 đến 29/2/2016. Trong thời gian tập sự, chị được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Hết thời gian tập sự, Phòng Đào tạo sau ĐH đã họp thông qua trường hợp của chị Thủy, chuyển biên bản họp, hồ sơ và phiếu đánh giá của trưởng phòng Lê Thị Kim Lan đề nghị hội đồng xét tập sự của trường ĐHKH công nhận hoàn thành nhiệm vụ tập sự cho chị Thủy. Ngày 22/3/2016, Hội đồng tuyển dụng Trường ĐHKH thống nhất đề nghị hiệu trưởng nhà trường công nhận hoàn thành nhiệm vụ tập sự của chị Thủy và bổ nhiệm chị vào ngạch viên chức. Chị Thủy được Phòng Tổ chức - Hành chính của trường ký HĐ làm việc không xác định thời hạn vào ngày 28/3/2016.
Nhưng lạ lùng thay, chỉ bốn ngày sau, vào ngày 1/4/2016, bà Lê Thị Kim Lan lại có tờ trình đề xuất lãnh đạo trường xem xét lại trường hợp của chị Thủy vì “phát sinh một số khuyết điểm trầm trọng đối với viên chức tập sự”. Do có đề xuất của bà Lan nên ngày 11/5/2016 hiệu trưởng trường yêu cầu Phòng Đào tạo sau ĐH tổ chức họp đánh giá lại kết quả tập sự của chị Thủy, kết quả là chị Thủy không đạt yêu cầu. Kế đến, Hội đồng tuyển dụng của Trường ĐHKH không thông qua hồ sơ tập sự và đề nghị hiệu trưởng chấm dứt HĐ làm việc với chị Thủy. Ngày 31/5/2016, tức chỉ sau hai tháng được mời ký HĐ làm việc không xác định thời hạn, hiệu trưởng trường ĐHKH đã ký văn bản chấm dứt HĐ với chị Thủy.
Có hay không sự trù dập?
Khi tranh chấp giữa chị Thủy và bà Lan đang diễn ra thì bà Hoàng Thị Tâm - mẹ chồng chị Thủy đã có đơn phản ánh, kiến nghị Thanh tra Bộ GD-ĐT xem xét động cơ của bà Lan, bảo vệ quyền lợi cho chị Thủy. Chị Thủy thì cho rằng, nguyên nhân khiến chị mất việc sau khi được ký HĐ làm việc không xác định thời hạn là do bị bà Lan thù ghét và trù dập. Theo chị Thủy, sau khi được mời ký HĐ, chị có đi công tác với bà Lan vào tỉnh Phú Yên. Tại đây, giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn, nên sau chuyến đi bà Lan đã có tờ trình lãnh đạo trường với những nhận xét ngược hẳn với những nhận xét của chính bà trước đó.
Tại bản nhận xét ngày 10/3/2016 để đề nghị trường công nhận hoàn thành tập sự cho chị Thủy, bà Lan có những đánh giá như: “Chấp hành tốt các quy định của trường và đơn vị; có ý thức chấp hành kỷ luật lao động cao; sống cởi mở, thân thiện, trung thực; về chuyên môn có nhiều nỗ lực trong quá trình thử việc, hoàn thành nhiều công việc được giao…”.
Tuy nhiên, chỉ 21 ngày sau, tức vào ngày 1/4/2016, trong tờ trình đề xuất lãnh đạo trường xem xét lại trường hợp của chị Thủy, bà Lan lại nói ngược hoàn toàn: “Bỏ bê công tác lưu trữ công văn, giấy tờ; phát hành hồ sơ nhầm lẫn gây hậu quả lớn; vi phạm nguyên tắc tài chính; không chấp hành điều hành của lãnh đạo phòng; có nhiều biểu hiện đáng lo ngại về đạo đức như không trung thực, không cầu thị, ăn mặc hở hang…”.
Theo ông Võ Thanh Tùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKH, sau khi chị Thủy được hội đồng tuyển dụng nhà trường đề nghị hiệu trưởng bổ nhiệm vào ngạch viên chức thì chị này có một chuyến đi công tác với bà Lan tại tỉnh Phú Yên. Trong thời gian công tác, chị Thủy đã có hai sai phạm lớn: chi tiền khi không được ủy nhiệm chi của người có thẩm quyền và không nghe theo sự điều hành của bà Lan.
Chị Thủy thì cho rằng, những thông tin trên là hoàn toàn vu khống. Trong chuyến công tác tại Phú Yên, trước khi chi tiền chị đã hỏi ý kiến và được bà Lan ký duyệt. Chứng minh là danh sách những người nhận khoản tiền seminar được ký duyệt của trưởng phòng, kế toán trường và hiệu trưởng. Còn về việc không thể nghe theo sự điều hành của bà Lan, chị Thủy giải thích là do gặp vấn đề về sức khỏe.
PGS-TS Hoàng Văn Hiển - Hiệu trưởng Trường ĐHKH cho biết: việc chi tiền của chị Thủy trong chuyến công tác trên không gây ra hậu quả gì lớn mà chỉ sai về quy trình và chị này cũng không bị kỷ luật. Nhưng ông Hiển lại cho rằng, trong thời gian tập sự, chị Thủy bộc lộ nhiều khuyết điểm nhưng được lãnh đạo Phòng Đào tạo sau ĐH châm chước.
Trong chuyến đi công tác tại Phú Yên, chị này có thêm những khuyết điểm nên bà Lan mới đề xuất lãnh đạo trường xem xét lại kết quả tập sự. Như vậy, phải chăng bà Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH Lê Thị Kim Lan đã quá tùy tiện trong việc đánh giá quá trình tập sự của nhân viên cấp dưới? Phòng Tổ chức - Hành chính và Hiệu trưởng Trường ĐHKH cũng không có “tai, mắt” khi chỉ biết nghe theo cấp dưới là bà Lan?
Ông Hiệu trưởng cho rằng, vấn đề công việc của chị Thủy, lãnh đạo trường sẽ lo ổn thỏa nếu như không có việc mẹ chồng của chị này gửi đơn đến Thanh tra Bộ GD- ĐT. Quan điểm này của ông hiệu trưởng thật lạ. Chẳng lẽ chị Thủy lại phải chịu trách nhiệm về hành vi của mẹ chồng chị?
Về việc Trường ĐHKH thuộc ĐH Huế chấm dứt HĐ làm việc với chị Lê Thị Hương Thủy chỉ sau hai tháng ký HĐ, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa) phân tích: chị Thủy trúng tuyển viên chức và đã hoà n tấ t chế độ tập sự 12 tháng theo đúng quy định tại điều 27, Luật Viên chức. Trong thời gian tập sự, chị Thủy được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, đủ điều kiện để ký tiếp HĐ làm việc chính thức nên chị Thủy đã ký HĐ làm việc không xác định thời hạn vào ngày 28/3/2016 là đúng quy định ở khoản 3, điều 41, Luật Viên chức: “Việc đánh giá viên chức được thực hiện hằ ng năm; khi kết thúc thời gian tập sự; trước khi ký tiếp HĐ làm việc; thay đổi vị trí việc làm; xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng”. Do đó, ngày 31/5/2016 hiệu trưởng đơn phương ký văn bản chấm dứt HĐ với chị Thủy là chưa đúng quy định tại các điều 28, 29 Luật Viên chức. Nếu xác định chị Thủy có khuyết điểm trầm trọng thì phải xử lý kỷ luật theo Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; việc áp dụng hình thức kỷ luật; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Về việc mẹ chồng chị Thủy khiếu nại, luật sư Lễ lý giải: khoản 1, điều 2, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định “Khiếu nại” là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật. Như vậy mẹ chồng chị Thủy nhận thấy hành vi chấm dứt HĐ làm việc của nhà trường đối với con dâu mình là trái pháp luật thì bà có quyền khiếu nại theo pháp luật quy định. Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét nội dung khiếu nại và giải quyết theo trách nhiệm và nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại nếu xét thấy nội dung khiếu nại là đúng. Người khiếu nại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu khiếu nại đó (điều 12 Luật Khiếu nại).
Tác giả bài viết: Thuận Hóa