Bộ Công Thương vừa có phần trả lời kiến nghị của cử tri xung quanh lo lắng trước việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông tại các quốc gia: Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia.
Theo Bộ Công Thương, Mê Kông là dòng sông quốc tế quan trọng nhất vùng Đông Nam Á, chảy qua 6 quốc gia từ thượng nguồn xuống, bao gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Với lưu vực rộng trên 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỉ m3, sông Mê Kông có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực vùng lưu vực sông.
Là quốc gia ở cuối nguồn, Việt Nam chịu ảnh hưởng tích lũy của chuỗi các công trình thủy điện trên dòng chính, đặc biệt là tác động nguy hại tới nguồn lợi phù sa và thủy sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết hiện tại Trung Quốc đã quy hoạch 25 bậc thang thủy điện trên dòng chính và 120 bậc thang trên dòng nhánh với tổng công suất khoảng 28.000 MW; đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện rất lớn trên thượng nguồn sông Mê Kông, ảnh hưởng lớn đến hạ lưu sông.
Trong khi đó, chỉ có 4 quốc gia vùng hạ lưu, gồm: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995. Hiệp định bao gồm điều khoản khá ngặt nghèo, như: các hoạt động phát triển trên dòng chính và dòng nhánh, trong mùa khô và mùa mưa phải tuân thủ các quy định về thông báo, trao đổi trước và thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên; một kiến nghị xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính phải được sự đồng thuận của cả 4 quốc gia thành viên.
Còn Trung Quốc và Myanmar không ký Hiệp định và chỉ có "tư cách" là các quốc gia đối thoại. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia sở hữu phần lưu vực khá lớn thuộc thượng nguồn sông Mê Kông nhưng chưa tham gia vào Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
"Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp để giải quyết triệt để các ảnh hưởng của toàn bộ các dự án thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông là rất khó khăn và còn nhiều hạn chế và cần phải đạt được sự đồng thuận của toàn bộ các quốc gia trên lưu vực"- Bộ Công Thương nhận định.
Với Lào, dù đã ký Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông cũng như đã có thoả thuận tháng 12-2012 với nội dung "thống nhất chờ kết quả nghiên cứu chung về đánh giá tác động môi trường của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông", mọi việc cũng không dễ dàng hơn.
Theo báo cáo số 367/UBMC ngày 4-10-2013 phía Lào đã chính thức thông báo về kế hoạch xây dựng dự án Don Sahong, bắt đầu từ tháng 11-2013 và dự kiến hoàn thành tháng 5-2018.
Đối với thủy điện Pak Beng, chủ đầu tư đã lập xong báo cáo F/S và trình Chính phủ Lào tháng 11-2016 để phê duyệt và thực hiện. "Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế thông báo cho các quốc gia thành viên đề nghị của Lào về kế hoạch xây dựng dự án. Theo đó, sau khi hoàn thành thủ tục tham vấn, phía Lào sẽ khởi công xây dựng. Đến đầu năm 2018, phía Lào vẫn chưa có được sự đồng thuận của các nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan"- Bộ Công Thương thông tin.
Bộ Công Thương cũng cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án "Đối sách chiến lược tổng thể với Lào về vấn đề phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông" trình Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị nhằm giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Tác giả: Phương Nhung
Nguồn tin: Báo Người lao động