Kinh tế

Trung Quốc ồ ạt mua dừa, nhà máy ngưng hoạt động

Dừa khô nguyên liệu được thương lái Trung Quốc gom mạnh khiến các nhà máy chế biến tại miền Tây phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Giá dừa khô nguyên liệu tại Bến Tre cao nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: Cửu Long

Giá dừa khô tại vườn Bến Tre và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long... hiện ở mức 70.000-100.000 đồng một chục (12 trái); tăng 35.000-40.000 đồng so với 3 tháng trước và cao nhất từ đầu năm đến nay. Các thương lái địa phương đang ráo riết đến tận vườn thu mua, bán lại cho các chủ vựa người Trung Quốc chở về nước bằng xe container với giá 130.000-150.000 đồng một chục (loại tốt). Dừa nhỏ, loại thường được bán cho các lò bánh kẹo ở địa phương.

Việc thương lái Trung Quốc đồng loạt gom dừa nguyên liệu, đẩy giá lên cao khiến các nhà máy chế biến cơm dừa (cùi dừa) nạo sấy trong nước đói nguyên liệu, hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.

Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu - Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) cho biết 2 tháng nay, dây chuyền chế biến dừa xuất khẩu đã ngưng hoạt động, khiến 300 công nhân phải tạm nghỉ. "Chúng tôi có giá mua dừa nguyên liệu cao nhất ở địa phương nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với thương lái Trung Quốc. Nếu mua bằng họ mà không nâng được giá xuất khẩu được sẽ thua lỗ lớn”, bà Châu nói.

Các thương lái cho hay khoảng 3 tháng nay, các thương nhân Trung Quốc tại Bến Tre tăng lượng thu mua dừa khô loại tốt gấp 2-3 lần so với trước. Cộng với tình trạng nguồn dừa nguyên liệu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ đợt thiên tai hạn mặn lịch sử vừa qua nên giá càng tăng cao.

Đồng bằng sông Cửu Long có 130.000 ha dừa (chiếm gần 80% diện tích dừa cả nước), chủ yếu tập trung ở gồm Bến Tre (gần 70.000 ha), Trà Vinh (19.000 ha), Tiền Giang (15.000 ha), Vĩnh Long (8.000 ha). Do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, phù sa từ các hệ thống sông ngòi nên dừa ở miền Tây có chất lượng tốt, hàm lượng dầu cao.

Tác giả bài viết: Cửu Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP