Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. (Nguồn: Ore Huiying) |
Theo tờ Financial Review, các nước trong khu vực này đang gia tăng một loạt các đơn đặt hàng mới khi các công ty xem xét việc kinh doanh của họ ở Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang ngày càng sâu sắc hơn.
Khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ ở Trung Quốc cũng đang xem xét việc di chuyển các nhà máy sản xuất sang các nước lân cận trong bối cảnh căng thẳng leo thang, theo kết quả khảo sát công bố hôm 13/9 bởi AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải. Theo đó, các nước Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu của họ.
Cụ thể, tại Việt Nam, một nhà sản xuất đồ nội thất gia đình cung cấp cho các cửa hàng Wal-Mart tại Mỹ đang có kế hoạch tăng lượng xuất khẩu 30% trong năm nay và năm 2019, Phó Tổng Giám đốc công ty này cho biết.
Hơn nữa, công ty này sẽ đầu tư khoảng 13,9 triệu USD để mở rộng hai nhà máy tại tỉnh Bình Định và nâng cấp dây chuyền sản xuất tại hai nhà máy khác ở tỉnh Đồng Nai.
“Chúng tôi thấy đây là cơ hội tuyệt vời để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ khi chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ thị trường đó. Vì cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang chuyển sang mua hàng của Việt Nam”, ông Phó Tổng Giám đốc công ty này nói.
Theo một số chuyên gia kinh tế, khối 10 nền kinh tế ASEAN là một thỏi nam châm tự nhiên cho các nhà máy mới thành lập nhờ chi phí sản xuất thấp và có năng suất sản xuất tốt, chưa kể đến sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc.
Với việc Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả bằng đòn áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, thương mại của Đông Nam Á tất nhiên cũng bị ảnh hưởng. Nhưng không giống như nhiều nền kinh tế phát triển khác, các cơ sở sản xuất thay thế tại đây lại phát triển hơn khi các công ty nước ngoài chuyển sang đặt hàng của họ để tránh các khoản thuế tăng thêm.
Ông Koratak Weeradaecha, Giám đốc Tài chính Công ty Star Microelectronics Thailand, đã nhận thấy các đơn đặt hàng biến động tương quan với căng thẳng thương mại Trung – Mỹ.
Trước tiên, khi những đợt áp thuế đầu tiên được công bố, các đơn đặt hàng có một sự trì hoãn nhẹ. Tuy nhiên, chúng đã tăng ít nhất 15% kể từ năm 2017 và “chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ rõ rệt hơn vào cuối năm nay”, ông Weeradaecha nói.
“Theo đó, các đơn đặt hàng dần được chuyển sang những dây chuyền sản xuất của họ ở đây, giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng ở Thái Lan. Và chúng tôi nghĩ rằng nhiều công ty khác cũng nên suy nghĩ về việc chuyển nhà máy của họ sang các nước láng giềng, vì ở lại Trung Quốc có thể là quá mạo hiểm”, ông Weeradaecha nhận định.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Malaysia.
“Chúng tôi đã rất thắc mắc rằng vấn đề lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để tăng cường năng lực từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ”, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng nói với các phóng viên tại Hong Kong.
Malaysia có thể hưởng lợi ích từ cả hai nước này như là một điểm trung chuyển và vì đó là một quốc gia trung lập, trong khi các công ty Trung Quốc và Mỹ đều quan tâm đến đầu tư.
Tỷ phú Malaysia Quách Hạc Niên, người sở hữu Công ty Kerry Logistics cho biết rằng, số lượng hàng hóa giao dịch đang tăng lên một chút khi các công ty chuyển hướng các trung tâm phân phối từ Trung Quốc đại lục sang những nơi như Hong Kong, Đài Loan, và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, Việt Nam “có nhiều cơ hội hơn thách thức” từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/9.
Thủ tướng cũng coi cuộc chiến thương mại giữa 2 bên là cơ hội thúc đẩy Việt Nam hướng tới việc tăng cường các mối quan hệ thương mại khác và bắt tay vào cải cách trong nước để giữ vững sự phát triển trong bối cảnh nền thương mại thế giới có nhiều hỗn loạn.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí