Một nhà kinh tế cấp cao Bình Nhưỡng nói với AP rằng kế hoạch trên của Triều Tiên được lấy cảm hứng từ thành công của Singapore và Thụy Sĩ. Theo đó, nước này có thể tham gia các tổ chức tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu thành viên của các tổ chức đó từ bỏ "chính sách thù địch" đối với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhà nghiên cứu cấp cao Ri Ki-song tại Viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên cho biết kinh tế nước này vẫn tăng trưởng ổn định bất chấp lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia này, năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên đạt mức 24,998 tỉ USD, sau tăng lên 29,595 tỉ USD vào năm 2016 và 30,704 tỉ USD vào năm 2017.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nước ngoài nghi ngờ về con số thống kê này. Ví dụ hồi tháng 7, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc thông báo GDP của Triều Tiên bị giảm 3,5% vào năm 2017.
Ông Ri Ki-song. Ảnh: AP |
Trong cuộc phỏng vấn với AP tuần trước, ông Ri nhấn mạnh việc kinh tế Triều Tiên vẫn tăng trưởng cho thấy lệnh trừng phạt đã "giúp một số lĩnh vực kinh tế phát triển hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao tinh thần tự lực của Triều Tiên".
Cũng theo ông Ri, Bình Nhưỡng đã sử dụng than sản xuất trong nước thay vì dầu mỏ nhập khẩu để cho ra đời một loại phân bón và cải tiến phương pháp sản xuất thép. "Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều thay đổi trong bầu không khí xung quanh đất nước của chúng tôi" – ông Ri lạc quan.
Thêm vào đó, nhà nghiên cứu này cho rằng nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và bầu không khí chính trị được cải thiện, Triều Tiên có thể cạnh tranh với các nước như Thụy Sĩ và Singapore, hai quốc gia "có tài nguyên ít và diện tích lãnh thổ nhỏ nhưng tận dụng tốt vị trí địa lý của mình".
"Chúng tôi nằm ở trung tâm của Đông Á. Vì vậy, bán đảo Triều Tiên của chúng tôi có vị trí địa lý rất thuận lợi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng hợp tác với các nước láng giềng để phát triển ngành công nghiệp vận tải. Nếu chúng tôi sử dụng đường sắt từ Hàn Quốc qua Siberia, nhiều quốc gia sẽ thích mạng lưới xe lửa của chúng tôi hơn là vận chuyển bằng đường biển".
Một người dân đạp xe qua Tháp Tư tưởng Chủ thể ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Triều Tiên đã có những liên kết đường sắt với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây công khai ủng hộ kế hoạch tái khởi động mạng lưới đường sắt xuyên biên giới càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, ông Moon cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập IMF hoặc Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, làm như vậy có thể đòi hỏi Bình Nhưỡng phải cải cách cơ cấu và thể hiện sự minh bạch, những điều kiện mà Triều Tiên chưa chắc muốn tuân thủ.
Khi được hỏi liệu Bình Nhưỡng có sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đó hay không, ông Ri trả lời: "Do lệnh trừng phạt và hành động của các nước thù địch như Mỹ và Nhật Bản, nỗ lực tham gia các tổ chức quốc tế của chúng tôi không thể hoàn thành cho đến thời điểm này. Nếu chúng tôi thậm chí không thể tham gia các tổ chức khu vực thì sẽ khó khăn hơn nhiều khi tham gia các tổ chức quốc tế".
Tác giả: Phạm Nghĩa
Nguồn tin: Báo Người lao động