Đó là kết quả của khảo sát, tìm hiểu về văn hóa ứng xử học đường do Đoàn trường ĐH Sài Gòn thực hiện vừa được công bố mới đây. Khảo sát thực hiện với 400 sinh viên đang theo học tại 4 Trường ĐH ở TPHCM gồm ĐH Sài Gòn, ĐH Văn Hiến, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố.
Theo khảo sát này, trước câu hỏi: Khi chứng kiến những hành vi không đẹp ngay tại trường, bạn ứng xử thế nào? Kết quả thu được có 60,4% sinh viên "bỏ qua", không quan tâm đến hành vi không đẹp ngay trong trường; trên 26% sinh viên nhắc nhở vài câu rồi bỏ đi, 25,7% sinh viên liên hệ tìm đến người có thẩm quyền để giải quyết.
Theo đánh giá của Đoàn trường, con số trên 60% không quan tâm đến hành vi không đẹp diễn ra ngay tại trường cho thấy sự vô cảm của người trẻ - như thể là một căn bệnh nan y khó chữa. Nguyên nhân của sự "thờ ơ" này là sợ, sợ liên lụy, sợ gặp phiền phức, sợ rước họa vào thân.
Khảo sát cũng chỉ ra, sinh viên rất dễ dàng bỏ học, bỏ tiết. Nếu có bắt buộc vì điểm danh thì có đến 67,8% sinh viên làm việc riêng như chơi game, học môn khác, chụp hình "tự sướng" hay ngủ trong lớp... Số sinh viên còn lại nghe giảng nhưng uể oải, không tập trung.
Về vấn đề xả rác trong lớp thì 100% sinh viên đều ý thức đó là việc vô ý thức, mất vệ sinh. Tuy vậy, có đến 62,4% sinh viên tự cho rằng mình không xả rác, chỉ là thường xuyên "quên mang rác ra khỏi lớp" và để đó cũng không vấn đề gì. Chỉ có 10% sinh viên không bao giờ xả rác.
Ngoài ra, 11,4% sinh viên thường xuyên bị lao công mắng vì mang đồ ăn vào lớp học.
Vấn đề được cải thiện nhất trong văn hóa ứng xử của sinh viên là văn hóa xếp hàng. Khảo sát cho thấy đến gần 82% sinh viên thường xuyên xếp hàng. Có 4% sinh viên không bao giờ thực hiện văn hóa xếp hàng.
Liên quan đến văn hóa ứng xử "mặc kệ nó" của sinh viên, của người trẻ, trong một diễn đàn gần đây, TS Đào Minh Hồng, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá, lên bậc học càng cao, ý thức ứng xử nơi không gian công cộng của học sinh, sinh viên lại càng kém đi. Các bạn nhầm lẫn giữa cái tôi bản năng, của mình với ý thức của một công dân nơi không gian công cộng.
Theo bà Hồng, chính các trường học phải rèn cho học sinh, sinh viên thói quen ứng xử đẹp nơi công cộng bằng những nguyên tắc, quy tắc ứng xử, những chuẩn mực, quy định có hệ thống, liên kết mà tất cả mọi người ở trường học từ bảo vệ, lao công, nhân viên, quản lý... đều thực hiện theo nguyên tắc này. Và đi cùng đó phải có nhắc nhở thường xuyên và phải có xử phạt.
Ngoài ra, TS Đào Minh Hồng cũng nhấn mạnh vai trò của Đoàn trường và từng cán bộ Đoàn trong ứng xử chuẩn mực nơi công cộng. Trước hết mỗi Đoàn viên, mỗi thủ lĩnh Đoàn phải dũng cảm, phải lên tiếng, phải biết giận dữ trước những hành vi không đẹp nơi công cộng.
Trên thực tế, bà đã gặp những bạn là cán bộ Đoàn, thậm chí là Bí thư Đoàn khi thấy những hành động không đẹp nơi công cộng nhưng họ cũng "mặc kệ". Hỏi tại sao thì các bạn trả lời "nhắc làm gì để người khác khó chịu với mình".
"Người thủ lĩnh đang giữ hình ảnh của mình, nhưng giữ hình ảnh gì đây? Chính những người thủ lĩnh đang chọn cách an toàn, không dám đương đầu, dám thử thách, ảnh hưởng đến người khác để tạo ra những nhóm người có văn hóa", bà Hồng chia sẻ.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí