Tin địa phương

Tranh chấp bất động sản ở Đà Nẵng ngày càng phức tạp vì biến động giá

Tranh chấp đối với bất động sản ở Đà Nẵng phát sinh nhiều do giá trị bất động sản trên địa bàn TP trong thời gian qua biến động tăng, giảm bất thường dẫn nhiều trường hợp đặt cọc, bỏ cọc, yêu cầu tiếp tục hợp đồng.

TAND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo tổng kết hoạt động của TAND hai cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020 trình HĐND TP để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 17 dự kiến tổ chức vào ngày 12/4 tới.

TAND TP Đà Nẵng cũng cho biết: Trong nhiệm kỳ, TAND hai cấp của thành phố Đà Nẵng đã thụ lý hơn 41.700 vụ việc, đã giải quyết hơn 41.100 vụ việc. Tổng số vụ án bị hủy do sai là 103 vụ việc, án bị sửa do sai là 58 vụ việc

Cũng trong nhiệm kỳ, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã đưa ra xét xử kịp thời các vụ án liên quan đến tham nhũng và chức vụ như: vụ án xảy ra tại Cty CP Procimex Việt Nam , bị can Bùi Thị Hòa và Đoàn Thị Anh Thư “tham ô tài sản”; vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm bị VKSND tối cao truy tố về tội “buôn lậu” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các vụ án thuộc diện chỉ đạo của cấp ủy địa phương, được dư luận quan tâm, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đơn cử như: vụ án “vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4; 10 vụ án với 24 bị cáo về tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”; 3 vụ án liên quan trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 gồm: “gây rối trật tự nơi công cộng” xảy ra tại quận Sơn Trà, “tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” xảy ra tại quận Ngũ Hành Sơn và vụ “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại Liên Chiểu.

Đối với các vụ việc dân sự, TAND TP Đà Nẵng cho hay, các tranh chấp dân sự trên địa bàn tính chất ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có giá trị tranh chấp, tài sản yêu cầu bồi thường lớn. Một số tranh chấp hợp đồng có nhiều người tham gia tố tụng ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đơn cử như 3 vụ tranh chấp về hợp đồng thỏa thuận đặt cọc và phân phối đất nền tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) với số lượng gần 1.000 người.

Một ki-ốt bất động sản trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) hoạt động trở lại khi giá đất nền có dấu hiệu tăng.

Các tranh chấp phổ biến là vay tài sản, tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất tập trung chủ yếu ở các địa bàn có các dự án giải tỏa, đền bù, tái định cư. Tranh chấp đối với bất động sản phát sinh nhiều do giá trị bất động sản trên địa bàn TP trong thời gian qua biến động tăng, giảm bất thường dẫn đến tranh chấp do nhiều trường hợp đặt cọc, bỏ cọc, yêu cầu tiếp tục hợp đồng.

Liên quan đến các vụ án hành chính, TAND TP Đà Nẵng cho biết, đã thụ lý 298 vụ, đã giải quyết 274 vụ. Án hủy do sai là 5 vụ, sửa do sai là 2 vụ.

Qua công tác xét xử án hành chính, TAND TP Đà Nẵng nhận thấy, thời gian qua trên địa bàn tình hình tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai, các quyết định hành chính ngày càng phức tạp, đã xảy ra một số vụ án được dư luận quan tâm như yêu cầu bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường, xử lý xây dựng sai phép liên quan đến nhiều người.

Đơn cử như: vụ án hành chính giữa Công ty CP thép Dana – Ý khởi kiện UBND TP Đà Nẵng; vụ án Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên khởi kiện các quyết định của chính quyền TP trong việc cưỡng chế tháo dỡ sai phạm trong xây dựng tại Mường Thanh.

Theo TAND TP Đà Nẵng, nguyên nhân chủ yếu phát sinh tranh chấp do việc triển khai một số dự án kéo dài nhưng khi tiến hành áp giá bồi thường thì áp giá hoặc bố trí tái định cư không thống nhất. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định của pháp luật về môi trường, về xây dựng, về đất đai có liên quan đến đền bù giải tỏa, tái định cư chưa thực hiện tốt.

Ngoài ra, một số vụ việc có nguyên nhân từ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trước đây còn có sai sót, chồng lấn.

Nhiều thẩm phán, thư ký nghỉ việc

Theo báo cáo, TAND TP Đà Nẵng cho biết, số lượng các vụ việc mà các TAND hai cấp của thành phố phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng tăng với tình chất ngày càng phức tạp trung bình mỗi năm tăng 10%. Trong khi đó, số lượng thẩm phán, thư ký tòa còn thiếu so với chỉ tiêu được phân bổ, áp lực công việc đối với thẩm phán, thư ký rất lớn. Ngoài nhiệm vụ chính là công tác xét xử, các nhiệm vụ khác về công tác cải cách tư pháp cũng đặt ra với hệ thống TAND, các thẩm phán, thư ký ngày càng cao. Do vậy, trong nhiệm kỳ qua, số lượng thẩm phán, thư ký xin nghỉ việc rất nhiều, không khi đó việc tuyển dụng bổ sung biên chế bị tạm ngừng do thực hiện tinh giản biên chế. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến một số hạn chế trong hoạt động của TAND hai cấp của TP Đà Nẵng trong nhiệm kỳ qua.

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại , TAND TP Đà Nẵng cho biết: sẽ điều động, tăng cường, bổ sung thẩm phán, thư ký cho các đơn vị có số lượng án lớn, quá tải. Đồng thời, kiến nghị TAND tối cao xem xét cho bổ sung thẩm phán đủ theo chỉ tiêu biên chế đã được phân bổ để giảm áp lực cho thẩm phán.

Tác giả: Nguyễn Thành

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP