Dù đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về việc tên nước Macedonia sẽ được đổi thành Cộng hòa Bắc Macedonia, nhưng cuộc tranh cãi về tên gọi kéo dài suốt 27 năm qua giữa Hy Lạp và Macedonia dường như vẫn chưa thực sự ngã ngũ, khi Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov kiên quyết từ chối ký thỏa thuận về đổi tên nước này vì cho rằng, đây là một hành động vi hiến.
Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov. Ảnh: AP |
Thế nhưng, lập trường cứng rắn kiên quyết không ký phê chuẩn thỏa thuận của Tổng thống Gjorge Ivanov cũng không thể ngăn cản được thỏa thuận này, bởi lẽ Quốc hội Macedonia dự kiến sẽ bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống bằng tỷ lệ đa số tối thiểu trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai.
Hơn nữa, Tổng thống nước này chỉ có quyền phủ quyết quyết định của Quốc hội duy nhất một lần và không có quyền phủ quyết kết quả trưng cầu ý dân. Vì vậy, cuộc trưng cầu ý dân dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới được cho là sẽ mang tính chất quyết định.
Phát biểu tại một cuộc họp ở Vienna ngày 26/6, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev tin tưởng cuộc trưng cầu ý dân sắp tới về thỏa thuận sẽ thành công: “Một tiến trình quan trọng đang đặt ra trước mắt chúng tôi, một cuộc trưng cầu ý dân về thay đổi tên cho Macedonia.
Chúng tôi rất vui vì chính người dân sẽ đưa ra một tuyên bố. Tôi tin rằng phần lớn, mà có lẽ là lớn hơn 75%, 80% công dân của chúng tôi, sẽ ủng hộ lựa chọn để Macedonia gia nhập đại gia đình châu Âu”.
Khẳng định Macedonia không có kế hoạch B, Thủ tướng Zoran Zaev thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố ông sẽ từ chức nếu thỏa thuận đổi tên nước không nhận được sự ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.
Dẫu vậy, theo giới quan sát, thời điểm này khó có thể nhận định liệu thỏa thuận vốn được xem là “giải pháp lịch sử” này có sớm giúp khép lại cuộc tranh cãi kéo dài gần 3 thập kỷ giữa hai quốc gia láng giềng hay không, khi mà văn kiện đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước do bên nào cũng cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia.
Thêm vào đó, làn sóng biểu tình phản đối dữ dội từ đông đảo người dân của cả hai nước đối với thỏa thuận đổi tên nước gây tranh cãi này, cũng được coi là rào cản lớn để hai bên có thể sớm đi tới chấm dứt tranh cãi. Chưa kể, thỏa thuận chỉ có thể chính thức có hiệu lực với điều kiện phải được cả Quốc hội Hy Lạp thông qua.
Một khi tranh chấp tên nước với Hy Lạp chưa được giải quyết ổn thỏa, đồng nghĩa với việc con đường để gia nhập Liên minh châu Âu và khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Macedonia, vẫn còn rất dài với nhiều chông gai, thử thách phía trước.
Trước mắt, Macedonia cần phải thực hiện một loạt các bước đi, trong đó có sự phê chuẩn về thỏa thuận đổi tên nước trong Quốc hội, đảm bảo sự ủng hộ đối với thỏa thuận này trong cuộc cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 9, cũng như cả sự thay đổi trong Hiến pháp./.
Tác giả: Phương Anh (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VOV