Phải nhờ người quen giới thiệu chúng tôi mới gặp được anh L., một trong 4 cổ đông của Công ty cổ phần vận tải Vũng Áng đang bên bờ vực phá sản tại một quán cà phê nằm ở vùng ven thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Vừa nghe đặt vấn đề về xe vận tải, anh L. đang rít hơi thuốc, nói cắt ngang: “Ôi thôi, xin đừng hỏi tui về xe cộ nữa. Tui não ruột lắm rồi!”. Nói thế, nhưng như bao dồn nén cả năm nay mới có dịp dãi bày, người đàn ông gầy guộc, khuôn mặt không giấu được vẻ lo lắng, đã kể lại hành trình điêu đứng của anh và 4 cổ đông của công ty.
Anh L. rầu rĩ kể, thời điểm cuối năm 2014, công trường Formosa vẫn đang cao điểm xây dựng giai đoạn 1. Những đoàn xe cứ rầm rập nối đuôi nhau chở đá vào công trường, những thông tin về nguồn thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng dễ như lật bàn tay, đã khiến anh và 3 người bạn của mình đứng ngồi không yên. Sau vài chuyến khảo sát công trường xây dựng và các mỏ đá, anh L. và 3 người bạn quyết định thành lập Công ty cổ phần vận tải Vũng Áng một cách chóng vánh.
Anh L. (phải), một trong 4 cổ đông Công ty cổ phần vận tải Vũng Áng đang lao đao vì dàn xe vận tải phục vụ công trường xây dựng Formosa làm ăn thua lỗ nặng nề.
“Lúc đó qua khảo sát và thông tin mà chúng tôi thu thập được từ bạn bè, mỗi chiếc xe vận tải đá cho công trường Formosa trị có giá trên một tỷ rưỡi, sau khi trừ chi phí thu nhập mỗi tháng cũng đạt cả trăm triệu đồng, có nghĩa là chỉ sau hơn một năm là có thể thu hồi vốn. Tính toán lợi nhuận khủng như thế đã khiến chúng tôi như bị mê hoặc. Bao nhiêu tiền của tích cóp được, chúng tôi dồn sức, không đủ lại cầm cố nhà cửa vay mượn ngân hàng để góp vốn đầu tư. Mỗi cổ đông chúng tôi vay mượn đóng góp 2,5 tỷ đồng. Tôi được tín nhiệm giao làm giám đốc công ty” – anh L. kể.
Sau khi thành lập, Công ty cổ phần vận tải Vũng Áng lập tức đặt mua cùng lúc 11 chiếc xe Howo (Trung quốc) với giá quy tròn 1,8 tỷ đồng/chiếc. Cùng với các chi phí khác liên quan, tổng cộng công ty đã bỏ ra hơn 22 tỷ đồng, trong đó 50% là vốn vay ngân hàng.
Thời điểm này, do tình trạng xe vận tải trên thị trường khan hiếm, nên phải tới tận đầu năm 2015 công ty của anh L. mới được đối tác bàn giao lô hàng 11 chiếc xe nói trên. Ngoài 4 cổ đông, 11 chiếc xe phải nuôi hơn 20 con người, bao gồm lái xe, kế toán, tạp vụ. Tất cả đều rất háo hức cho thương vụ làm ăn này.
Tính từ thời điểm lập công ty đến nay là tròn 2 năm, nhưng anh L. cho biết, chỉ có 4 tháng đầu năm 2015 là hoạt động vận tải của công ty tương đối tạm được. 4 tháng ấy, sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi cổ đông chúng tôi được chia phần lợi nhuận hơn 200 triệu. Không được như tính toán ban đầu, nhưng như thế cũng tạm chấp nhận được”.
Một trong số 11 chiếc xe mà công ty của anh L. đầu tư phục vụ vận chuyển đá cho công trường Formosa.
Chuỗi ngày sau đó, tính thừ thời điểm vụ xô xát giữa hàng nghìn công nhân Trung Quốc và Việt Nam tại khu kinh tế Vũng Áng xảy ra vào giữa tháng 5/2015, là chuỗi ngày khó khăn của công ty vận tải Vũng Áng.
“Sau cuộc xô xát ấy, công trường Formosa hoạt động cầm chừng, chỉ còn tiếp nhận một lượng rất nhỏ đá, cát. Các nhà thầu chính, thầu phụ bắt đầu rút đi, các mỏ đá cũng bắt đầu ngưng hoạt động, nên không chỉ chúng tôi mà một lượng lớn các nhà xe vận tải cấp đất, cát đá cho Formosa không có đơn hàng để chạy. Các xe hoạt động chưa được bao lâu bắt đầu rơi vào cảnh nằm đắp chiếu”- anh L. nhớ lại.
11 chiếc xe, dự tính tổng doanh thu hàng tỷ đồng/tháng, vậy mà có tháng công ty chỉ có tổng thu 150 triệu đồng. Tiền thu không đủ chi phí trả lãi suất và các chi phí khác của công ty. Tiền công nhân, nhiều tháng 4 cổ đông phải vay lãi nóng để trả cho anh em. Sốt ruột lắm, nhưng cả 4 cổ đông chỉ còn biết động viên nhau, trông chờ công trường khởi sắc trở lại để ngắt cơn thua lỗ.
Nhưng càng chờ đợi, càng hi vọng, anh L. và các bạn cổ đông trong Công ty vận tải Vũng Áng càng lún sâu vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Đội xe 11 chiếc, chiếc chạy, chiếc không, thậm chí lỗ cũng chạy để tránh xe bị hao mòn, nên chỉ sau hơn một năm, công ty rơi vào cảnh quá thê thảm.
Không có đơn hàng, công ty lần lượt cho lái xe, thậm chí cả kế toán nghỉ việc. Việc trả nợ ngân hàng cũng gặp quá nhiều khó khăn. Đến hạn thanh toán gốc, lãi, công ty không có tiền, công ty xin giãn nợ, ngân hàng không chịu, còn đòi phạt. "Đến nước tôi phải nói cùn, nếu không giải quyết thì chỉ có nước ngân hàng đến lấy sắt vụn bởi hoạt động của công ty quá khó khăn. Khi đó họ mới chịu tính toán gia hạn, giãn nợ cho chúng tôi” – anh L. kể tiếp nỗi bi đát của công ty.
Nhưng thời gian công ty sống “cầm hơi” như thế cũng không kéo dài được bao lâu, bởi áp lực trả nợ là quá lớn. Không còn cách nào khác từ tháng 8/2016, anh L. và 3 cổ đông của công ty đã đi đến quyết định mà ngày hùn vốn làm ăn họ chẳng thể ngờ tới, đó là bán xe để trả nợ. Nhưng bán được xe vào thời điểm này không hề dễ dàng gì, bởi người mua quá ít, trong khi giá xe lại rớt giá một cách thảm hại. Cũng bởi vậy mà suốt nhiều tháng công ty không tìm được mối để “tiễn” những chiếc xe ấy đi .
Phải tới trước Tết Nguyên đán vừa rồi, công ty mới bán được 6 chiếc cho một khách hàng đến từ huyện Diễn Châu, Nghệ An. Nhưng giá bán một chiếc xe rớt giá khó tưởng tượng, đến độ anh L. phải chua xót thốt lên: “Nói đến xe cộ, tui chừa đến già. Mỗi chiếc xe trị giá 1,8 tỷ đồng, chưa kể chi phí khác, xe còn nguyên đai, vậy mà giá mỗi chiếc chỉ còn 1 tỷ mấy chục triệu đồng. Tiền bán xe chỉ đủ công ty trả ngân hàng cho 6 chiếc ấy, 5 chiếc còn lại nếu bán được cũng chỉ may đủ trả vốn vay ngân hàng. Với thương vụ này chỉ sau chưa đầy hai năm, mỗi cổ đông chúng tôi đều mất trắng 2,5 tỷ đồng vốn đóng góp. Quá bi đát, nên mới rồi tui và anh M. đã chính thức rời bỏ công ty”.
Bán tống tài sản để cắt lỗ
Ngoài thất bại thảm hại tại Công ty vận tải Vũng Áng, như lời anh L. hiện anh cũng đang găp khó trước một thương vụ khác liên quan đến máy móc làm ăn tại công trường Formosa. Đầu năm 2015, anh còn mượn tài sản của bố mẹ, cầm cố vay mượn ngân hàng hàng tỷ đồng mua 2 chiếc máy cẩu khủng trị giá mỗi chiếc 2,7 tỷ đồng. Cũng như mấy chiếc xe tại công ty, kể từ khi hoạt động xây dựng tại công trường Formosa cầm chừng, hợp đồng, công việc không có, hai chiếc máy cầu trên 5 tỷ này cũng đành phải chịu chung số phận. Tiền làm được cũng không thu được nợ, lãi suất lớn khiến nợ nần cứ tăng lên. Cứ lo nợ nần, thua lỗ mà tóc anh thêm bạc.
Mua với giá 2,7 tỷ đồng, nhưng do không có việc, lo ngại máy móc bị hỏng và áp lực nợ nần, buộc anh L. phải chấp nhận bán một trong hai chiếc máy cẩu này với giá 1,1 tỷ đồng.
Để trả bớt nợ ngân hàng, anh L. đã phải rao bán 2 chiếc máy cẩu khủng nói trên. Rao mãi, mới rồi anh L. mới bán được một chiếc, nhưng giá bán chỉ còn lại 1,1 tỷ đồng. “Lỗ nặng quá, nhưng không thể không bán nó đi. Để lại tiếp tục mất giá, có khi chỉ còn lại đống sắt vụn nữa thì còn thê thảm hơn”- anh L. nói.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, tại khu kinh tế Vũng Áng hiện có quá nhiều chủ xe như anh L., như công ty cổ phần vận tải Vũng Áng rơi vào cảnh điêu đứng sau khi ồ ạt đầu tư vào xe vận tải. Trên thực tế, như phản ánh của một cán bộ thuộc phòng CSGT công an Hà Tĩnh làm nhiệm vụ tại địa bàn khu kinh tế này, do quá khó khăn nên đã có những cuộc tháo chạy xe vận tải của các chủ doanh nghiệp để gỡ gạc phần nào về vốn đầu tư.
“Vào cao điểm Vũng Áng có khoảng 3.000 xe vận tải chở vật liệu xây dựng phục vụ công trường Formosa. Nhưng nay cả khu kinh tế chỉ còn rất ít, chỉ độ 30-40 chiếc. Doanh nghiệp đưa xe đến làm ăn người ta rút đi, còn những người trên địa bàn bỏ tiền đầu tư như tôi biết, hầu hết đã bán vì thua lỗ nặng nề. Họ bán tống bán tháo, chấp nhận lỗ nặng để gỡ gạc phần nào”- vị cán bộ giao thông này phản ánh.
(Còn nữa)
Tác giả bài viết: Văn Dũng - Tiến Hiệp
Nguồn tin: