Trang điểm mô tả nhóm mỹ phẩm được sử dụng để làm đẹp. Các mỹ phẩm khác bao gồm các sản phẩm sử dụng để tẩy rửa, điều trị hoặc bảo vệ da và tóc.
Trên thị trường có nhiều sản phẩm mỹ phẩm cho chúng ta lựa chọn, tuy nhiên, cũng vì thế mà nhiều người còn không biết nên bắt đầu từ đâu. Các khái niệm như hữu cơ, tự nhiên, không chứa paraben, ít gây dị ứng…thật sự còn rất mơ hồ.
|
Trang điểm tác động lên da như thế nào?
Điều rất quan trọng là sử dụng đồ trang điểm và mỹ phẩm phù hợp với loại da hoặc tình trạng da của bạn. Các loại da được chia thành 4 nhóm:
• Da dầu/nhờn - sản xuất dầu dư thừa, lỗ chân lông to, mụn đầu đen và mụn trứng cá
• Da nhạy cảm – da căng, ngứa, không tương thích với nhiều sản phẩm và dễ bị mẩn đỏ
• Da khô – mờ xỉn, thô ráp có vảy và dễ bị ngứa
• Da thường/hỗn hợp - có thể có dầu ở vùng chữ T (trán, mũi và cằm) nhưng không có vấn đề ở khu vực khác
Mặc dù hầu hết mọi người đều biết khá tốt về loại da cơ bản của mình, nhưng chúng ta có thể không nhận ra sự tồn tại của chứng rối loạn da. Các chứng như eczema, viêm da tiếp xúc, trứng cá đỏ và ánh nắng mặt trời có thể gây ra viêm và phá vỡ hàng rào bảo vệ da.
Viêm gây ra ngứa hoặc dị ứng, ửng đỏ, mụn, u, trong khi sự phá vỡ hàng rào bảo vệ da dẫn tới làn da bị kích thích, nhạy cảm, khô và dễ bị kích ứng. Những triệu chứng này có thể giống hệt như các phản ứng do mỹ phẩm gây ra và do đó cần được xem xét trước khi cho rằng trang điểm là nguyên nhân.
Các vấn đề về da gây ra bởi mỹ phẩm
|
Mụn trứng cá do mỹ phẩm là một loại mụn gây ra bởi việc sử dụng một số sản phẩm mỹ phẩm. Nó liên quan đến một số thành phần nhất định gây ra sự hình thành comedone (mụn không viêm - tắc nghẽn lỗ chân lông) và thường xuất hiện dưới dạng những mụn trứng cá nhỏ. Một quan niệm sai lầm phổ biến là trang điểm bít lỗ chân lông, trong khi thực sự tắc lỗ chân lông là từ tế bào da chết.
Viêm nhẹ là kết quả của da chết và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, cùng các loại dầu khoáng là thủ phạm phổ biến nhất. Không phải lúc nào cũng có thể xác định trang điểm là nguyên nhân chỉ đơn giản từ danh sách thành phần, vì nó có thể bị ảnh hưởng bởi công thức, số lượng…
Viêm da kích ứng chiếm phần lớn các phản ứng với trang điểm và các sản phẩm mỹ phẩm khác. Nó có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng có nhiều khả năng ở những người có da nhạy cảm hoặc những người bị phá vỡ hàng rào bảo vệ da gây ra bởi eczema hoặc trứng cá đỏ. Nó thường gây ra ngứa, phát ban đỏ nhưng thậm chí có thể phồng rộp hoặc ứa nước. Các triệu chứng có thể xảy ra ngay lập tức nhưng có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để bùng phát với các chất kích thích yếu hơn, nên rất khó để xác định nguyên nhân.
Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi một người đã trở nên nhạy cảm với một thành phần đã được sử dụng cho da. Đỏ, ngứa đi kèm với sưng hoặc phồng rộp chỉ sau 12-48 giờ tiếp xúc, và có thể trở thành mãn tính nếu sử dụng liên tục.
Thành phần nào nên tránh?
|
Chất tạo mùi và chất bảo quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng do các mỹ phẩm gây ra. Có hơn 5.000 loại mùi khác nhau được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da, trong đó có nhiều chất chiết xuất thực vật tự nhiên và tinh dầu. Các chất gây dị ứng thông thường khác bao gồm chất bảo quản, lanolin, diethanolamide (chất tạo bọt) và các tác nhân chống nắng. Chất bảo quản, như paraben, formaldehyde và Quaternium-15 được yêu cầu trong tất cả các sản phẩm lỏng để ổn định và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Quan niệm sai lầm phổ biến là các thành phần tự nhiên và hữu cơ sẽ không gây dị ứng hoặc kích ứng.
Trừ khi bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm, không có thành phần cụ thể nào mọi người nên tránh. Nhưng tốt nhất là tìm kiếm các sản phẩm giảm dị ứng, không mùi. Những người có loại da nhờn/dầu hoặc tiền sử mụn trứng cá cũng nên hạn chế mỹ phẩm chứa dầu.
Những người có loại da nhạy cảm hoặc da khô, tình trạng da bị viêm da hoặc lịch sử dị ứng do tiếp xúc nên tránh các chất gây kích ứng và các chất gây dị ứng tiềm ẩn. Chất tạo bọt, các chất làm se (như toner loại bỏ dầu), tẩy tế bào chết và axit (như các axit alpha hydroxy được sử dụng trong sản phẩm trị mụn trứng cá và chống lão hóa) có xu hướng gây kích ứng.
Nên làm gì nếu nghi ngờ da bị dị ứng?
Nếu có dấu hiệu kích ứng da hoặc nổi mẩn, điều đầu tiên cần làm là chẩn đoán lý do. Nếu nghi ngờ đang dị ứng với một trong những mỹ phẩm đang sử dụng nhưng không chắc chắn về nó, tốt nhất nên ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm hiện tại với khu vực có vấn đề. Bạn nên cố gắng đơn giản hóa thói quen hàng ngày, lựa chọn các sản phẩm có công thức đặc biệt cho da nhạy cảm và dị ứng.
Nếu vấn đề trên được giải quyết, bạn có thể sử dụng lại mỹ phẩm đã tạm ngừng để kiểm tra xem liệu có thể xác định được thủ phạm hay không. Ý tưởng hay ho là nên thử ở một vùng nhỏ trên cổ hoặc mặt trong một hoặc hai tuần trước khi sử dụng lên toàn mặt. Quy trình này được biết đến là phương pháp ROAT (repeat open application test).
Nếu không thể tìm ra nguyên nhân hoặc không tìm thấy mỹ phẩm không kích ứng với da của mình, bạn có thể tìm đến chuyên gia tư vấn để loại trừ các tình trạng da và kiểm tra xem da có bị dị ứng hay không.
Tác giả: Quách Vinh (Theo The Conversation)
Nguồn tin: Báo Dân trí