Trạm dừng nghỉ Ninh Bình xây dựng tại Km 267 trên QL1B, đoạn qua phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình. Trạm được xây dựng trên tổng diện tích 7.000m2, với nhiều công trình như: nơi nghỉ ngơi thư giãn, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, gian trưng bày sản phẩm, hội trường, vườn hoa cây cảnh… có thể phục vụ cả trăm lượt khách. Tổng kinh phí xây dựng trạm dừng chân hoành tráng này là 11 tỷ đồng, trong đó Nhật Bản tài trợ 414.000 USD.
Trạm dừng nghỉ Ninh Bình được đầu tư xây dựng 11 tỷ đồng đang "chết yểu" vì... "đói khách". |
Trạm được đưa vào sử dụng từ năm 2009, do Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình trực tiếp quản lý hoạt động. Sau gần 10 năm đưa vào khai thác, đến nay trạm dừng nghỉ này đang dần “chết yểu” vì… “đói khách”.
Theo đó, những năm đầu xe khách lưu thông nhiều qua tuyến QL1B (xe khách Bắc – Nam đi qua thành phố Ninh Bình) nên lượng xe cũng như khách qua trạm giữ mức ổn định, có thời điểm tăng cao.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2016 đến nay, tỉnh Ninh Bình thực hiện việc phân tuyến các loại xe khách, xe chạy tuyến cố định, nhiều xe khách không được chạy qua thành phố Ninh Bình (nơi đặt trạm). Xe chạy tuyến cao tốc cũng không được qua trạm dừng nghỉ Ninh Bình, vì thế lượng xe cũng như khách ra vào trạm giảm mạnh.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình cho biết, từ khi đường vành đai 3 (đường tránh thành phố Ninh Bình) đưa vào hoạt động, lượng khách vào trạm dừng nghỉ giảm đáng kể.
Hiện trạm dừng nghỉ và bến xe khách Nam Thành cùng khai thác song song tuy nhiên cơ sở hạ tầng "trạm dừng chân" hoành tráng vẫn chưa hoạt động hết công suất. |
“Trước đây, xe khách tuyến Bắc – Nam đi qua ra vào trạm, dừng nghỉ ngơi rất nhộn nhịp, từ khi phân tuyến đến nay trạm giảm 40 – 50% lượng xe và khách ra vào. Trước kia, mỗi năm có khoảng 7.000 lượt xe và 140.000 lượt khách ra vào, đến nay số lượng này chỉ còn được một nửa”, bà Hà nói.
Cũng theo Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình, dù lượng khách giảm nhưng trạm dừng nghỉ vẫn phải hoạt động bình thường. Hiện ngoài khai thác trạm dừng nghỉ thì tại đây có một bến xe (bến xe Nam Thành) cũng hoạt động song song, là nơi đỗ đậu xe một số tuyến cố định và một số tuyến xe buýt. Tại quầy dịch vụ vẫn kinh doanh, bày bán các sản phẩm địa phương, phục vụ nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi của khách.
“Trạm dừng nghỉ ở các tỉnh khác được hỗ trợ nguồn ngân sách để hoạt động, riêng trạm Ninh Bình thì không, Xí nghiệp quản lý trạm tự phải cân đối ngân sách, tự thu tự chi nên cũng gặp nhiều khó khăn”, bà Hà chia sẻ.
Nơi đỗ xe ra vào đã bắt đầu xuống cấp, nhiều mảng bê tông bị vỡ nát, sân nền bị sụt lút. |
Ghi nhận của PV Dân trí, sau thời gian đưa vào hoạt động đến nay một số hạng mục tại trạm dừng nghỉ Ninh Bình đã có dấu hiệu xuống cấp. Nơi đậu đỗ cho các xe khách ra vào bị sụt lún nền, bê tông nứt thành nhiều mảng. Nơi đây hiện đang làm nơi đậu đỗ xe buýt của tuyến nội tỉnh.
Mỗi ngày, nhiều cũng chỉ có một vài xe khách ra vào trạm, thời gian còn lại đa số trạm luôn vắng xe và khách. Liên tục “đói khách” nên nhiều người dân sống gần trạm ví trạm dừng nghỉ hoành tráng này vắng tanh như… chùa bà Đanh.
Một người dân nói: “Từ khi đưa vào khai thác, mấy năm đầu còn thấy có xe khách ra vào, gần năm nay trạm luôn trong tình trạng vắng tanh. Nhà nước đầu tư tiền của, tiền Nhật Bản hỗ trợ lớn như vậy mà hoạt động không có hiểu quả thì thật là lãng phí quá”.
|
Trạm dừng nghỉ 11 tỷ đồng luôn trong tình trạng khách vắng tanh như... chùa bà Đanh. |
Được biết, trước khi đưa vào khai thác, khi tài trợ vốn xây dựng, JICA – Nhật Bản đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn rất kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của trạm dừng nghỉ. Bên cạnh đó, JICA còn thực hiện tuyên truyền quảng bá rộng rãi về trạm dừng nghỉ để hút khách. Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay trạm dừng chân lý tượng ở Ninh Bình đã không đáp ứng được kỳ vọng.
Nhà nghỉ ngơi, trưng bày bán sản phẩm địa phương giờ thành nhà hàng bán thịt dê, tuy nhiên cũng rất ít khách ra vào. |
Tác giả: Thái Bá
Nguồn tin: Báo Dân trí