"Vỡ" quy hoạch taxi trên địa bàn thành phố
Theo Hiệp hội Taxi TPHCM, hoạt động của Grab và Uber như hình thức taxi phát triển rầm rộ trên địa bàn thành phố khiến thị trường taxi bị đảo lộn, hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ quả là nhiều công ty taxi đã giải thể hoặc sáp nhập. Hiện nay, số lượng đầu xe taxi chỉ còn 8.900 xe, giảm hơn 3.000 xe so với năm 2010.
Trong khi đó, số lượng xe chạy hợp đồng điện tử trong 2 năm qua tăng nhanh và hiện đã hơn 28.000 xe, đa số xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử chạy cho hai đơn vị Grab và Uber. Được biết, năm 2015, TPHCM chỉ có 300 chiếc xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng.
Lực lượng thanh tra giao thông TPHCM xử phạt "taixi công nghệ" vi phạm |
Con số trên gấp hơn 3 lần số xe taxi hiện nay, vượt qua quy hoạch taxi năm 2025 là 16.500 xe, gây ùn tắc giao thông trầm trọng. Hầu hết các xe tập hợp vào mô hình Hợp tác xã, trong đó có đơn vị có lượng xe lên tới 6.000 chiếc.
Hiệp hội Taxi TPHCM đánh giá: Đây là kết quả hai mặt trái ngược của vận tải hành khách bằng taxi và vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử được thí điểm theo quyết định số 24 năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải.
Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM thừa nhận rằng, số lượng xe taxi nằm trong quy hoạch còn xe hợp đồng thì TPHCM “bó tay”, không thể quy hoạch được.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, sau hai năm thí điểm nhưng đến giờ này các cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất được tên gọi của loại hình kinh doanh của Grab, Uber để từ đó đưa ra các chính sách quản lý phù hợp. Đây là thất bại lớn nhất của chương trình thí điểm.
Hiện nay, các nước Đông Nam Á như: Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan... đều coi loại hình kinh doanh như Uber, Grab là kinh doanh taxi.
Bộ Công thương, Cục quản lý cạnh tranh, Sở GTVT TPHCM, Hà Nội cũng đánh giá Grab, Uber là kinh doanh taxi. Riêng chỉ có Bộ GTVT thì đến giờ này vẫn coi đây là kinh doanh “xe hợp đồng”.
Cũng theo Hiệp hội Taxi TPHCM, hiện nay việc định danh các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối như Uber, Grab cũng đang còn chưa thống nhất.
"Hoạt động kinh doanh của Grab, Uber phải được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải (chịu thuế suất VAT 10%), chứ không phải là kinh doanh dịch vụ phần mềm đơn thuần (không chịu thuế VAT) như quan điểm của Bộ GTVT", hiệp hội này nêu quan điểm.
Cũng theo Hiệp hội Taxi TPHCM, mặc dù là mô hình kinh doanh đang trong giai đoạn thí điểm nhưng các đơn vị tham gia thí điểm là Uber, Grab cùng các đối tác của họ đã liên tục vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và Bộ GTVT.
Đặt tên Grab, Uber là “taxi đặt xe qua mạng”
Để quản lý được loại hình kinh doanh như Uber, Grab, Hiệp hội Taxi TPHCM kiến nghị: các Hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải là “đối tác của Grab, Uber” phải được xác định là kinh doanh dịch vụ taxi, có thể gọi tên là “Taxi đặt xe qua mạng” (ĐXQM). Từ đó, các đơn vị vận tải này phải đáp ứng các điều kiện của kinh doanh taxi.
Hồi tháng 10/2017, xe của hãng taxi Vinasun treo băng rôn phản đối Grab, Uber |
Theo đó, các doanh nghiệp và Hợp tác xã phải có tư cách pháp nhân, mã số thuế, đăng ký ngành nghề kinh doanh taxi ĐXQM, phương tiện và lái xe kinh doanh taxi ĐXQM phải được quản lý bằng Giấy phép kinh doanh và phù hiệu taxi ĐXQM theo quy định riêng.
Taxi ĐXQM chỉ được sử dụng hệ thống kết nối và tính tiền thông qua phần mềm ứng dụng đặt/gọi xe. Việc tính cước phí vận tải phải do từng đơn vị định đoạt, không thể mấy trăm đơn vị vận tải cùng thống nhất một giá cước để gây tổn hại cho nguời tiêu dùng, vi phạm Luật cạnh tranh.
Phương tiện taxi ĐXQM phải được sơn, dán, biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải (chứ không phải logo của tên phần mềm) trên hai cánh cửa xe, trên nóc xe phải có mào taxi với nội dung “TAXI ĐXQM”. Ngoài ra đơn vị vận tải, phương tiện, người lái xe taxi ĐXQM phải thực hiện đầy đủ các quy định như đối với kinh doanh taxi.
Đối với các công ty cung cấp phần mềm, Hiệp hội Taxi TPHCM kiến nghị phải xác định các đơn vị này là các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải chứ không phải là cung ứng dịch vụ phần mềm đơn thuần.
Các công ty này phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam, do Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, phải sử dụng tên miền internet của Việt Nam (tên miền.vn). Phải đặt máy chủ (server) vật lý tại Việt Nam cho toàn bộ các kết nối có phát giao dịch tại lãnh thổ Việt Nam.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí