TPHCM đang đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc tạo cơ chế mở cho giáo dục thành phố. Điều này được lãnh đạo thể hiện khá rõ qua báo cáo của UBND thành phố về thi hành Luật Giáo dục gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
TPHCM đề xuất linh hoạt thời gian năm học |
Cụ thể, TPHCM đề xuất được linh hoạt, chủ động trong biên chế năm học thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt (học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày). Theo lý giải của lãnh đạo thành phố, việc linh hoạt thời gian học để tiếp cận xu hướng thế giới và còn xuất phát từ đòi hỏi thực tế của địa phương là để giảm ùn tắc giao thông - một vấn đề nan giải gây ức chế cho người dân và thiệt hại kinh tế rất lớn.
Mô hình đào tạo trên khá giống với đào tạo tín chỉ đang được áp dụng ở các trường ĐH.
Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM cho hay, bản thân và và nhiều quản lý các trường không bất ngờ với đề xuất này. Những đề xuất đều đã được thể hiện trong các chỉ đạo chuyên môn, chỉ đạo năm học trước đây của Sở.
Cụ thể, trong phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 giáo dục trung học của Sở, về công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm có ghi rõ: Năm học 2017 -2018 là năm học tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng; phát huy tính tích cực, chủ động của tổ chuyên môn trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; sự tự chủ trong thực hiện chương trình trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thời lượng dạy học, tạo điều kiện để các nhà trường tổ chức các chủ đề dạy học, các hoạt động trải nghiệm.
Theo bà, mỗi lãnh đạo, mỗi trường học sẽ có kế hoạch và tổ chức hoạt động theo tinh thần của chỉ đạo. Như vậy, điều này sẽ tùy thuộc vào từng hiệu trưởng, từng trường. Có trường, có lãnh đạo mạnh dạn thực hiện nhưng có trường rất e dè nên giữ biên độ an toàn, làm như cách cũ.
Một vấn đề cũng được nhiều quản lý các trường đặt ra là ngành Giáo dục TPHCM đề xuất tự chủ và có nhiều chỉ đạo để các trường chủ động trong các hoạt động chuyên môn. Nhưng trên thực tế là “mở mà trói”, Sở rất chặt chẽ khi yêu cầu các trường thực hiện một kế hoạch nào đó như dạy học 2 buổi/ngày, tiết học ngoài nhà trường, các hoạt động ngoại khóa… đều phải trình kế hoạch một cách rất kỹ lưỡng.
Chính việc “siết” này mà nhiều trường còn rất e ngại, không mạnh dạn trong việc thực hiện các kế hoạch, đi theo lối mòn cho… an toàn.
Nhiều quản lý trường học, giáo viên cũng bày tỏ ý kiến về việc đào tạo rút ngắn thời gian học cho học sinh là hợp lý và cần phải thực hiện. Nhiều học sinh hoàn toàn có khả năng học xong chương trình trước khung thời gian như hiện nay. Có em đủ năng lực kết thúc chương trình THPT trước 18 tuổi, không bị bó hẹp trong giới hạn nào. Từ đó, nhiều học sinh sẽ có nhiều lựa chọn, chủ động hơn trong các kế hoạch trong tương lai.
Hơn nữa, cũng phải nhìn vào thực tế, việc học ngày càng “mở”, không còn bó hẹp việc học ở nhà trường, trong không gian lớp học thầy đọc trò chép. Học sinh có nhiều cơ hội học năng khiếu, kỹ năng, nâng cao… ngoài trường học. Việc học theo tín chỉ, rút ngắn thời gian học ở trường sẽ tạo thêm điều kiện để người học tiếp cận với việc học linh hoạt nhất. Đó là cũng là tiền đề của việc tự học và tạo thói quen học tập suốt đời.
Rút ngắn thời gian học ở trường, ở bậc phổ thông, nhiều học sinh sẽ có cơ hội để phát triển năng lực? (ảnh minh họa) |
Thầy Đỗ Minh Lợi, Trường THCS-THPT Hồng Hà (Gò Vấp) cho hay, ông rất ủng hộ việc học theo tín chỉ ở phổ thông. Việc học theo tín chỉ giúp các em học sinh có thể rút ngắn thời gian học tập kiến thức, dành thời gian nhiều hơn cho học các kĩ năng, thực hành. Thực tế là giáo dục của chúng ta vẫn là nặng về lý thuyết, áp lực thi cử còn nhiều. Nếu các em học theo tín chỉ, gói gọn trong một số môn học đăng kí thêm những môn học các em yêu thích, chủ động thời gian học, các em sẽ có phát huy thêm năng lực của mình.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cũng đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng. Đó là tính tự chủ của các trường, chương trình, nội dung học phù hợp. Ngoài ra, chủ thể người học cũng cần được hình thành khả năng tự học từ sớm thay cho việc học thêm, học nhồi nhét lâu nay.
Và đặc biệt, cho dù mô hình học tập nào đi nữa thì trong môi trường giáo dục nhà trường, vai trò của người thầy cũng mang tính quyết định. Người thầy cần được đào tạo, bồi dưỡng để cùng học sinh thực hiện cách thức học này. Nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM nên thực hiện thí điểm học theo tín chỉ ở một vài trường. Từ đó, có thể rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà.
Đề xuất cho học sinh nước ngoài học chương trình phổ thông của Việt Nam Nhằm đảm bảo mục tiêu học tập suốt đời, TPHCM cũng đề xuất tăng tính phân luồng, bên cạnh hệ thống trường năng khiếu về thể dục thể thao, cần xây dựng hệ thống các trường chuyên về thẩm mỹ, nhạc, họa,… giúp đào tạo chuyên sâu từ nhỏ cho những học sinh sớm bộc lộ năng khiếu. Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm các quy định để học sinh nước ngoài có thể học tập chương trình phổ thông của Việt Nam tại các trường công lập. |
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí