Tin địa phương

Tp.Đà Nẵng kỳ vọng tiếp tục khôi phục các thị trường khách quốc tế

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Tp.Đà Nẵng chia sẻ về điểm sáng du lịch địa phương này sau dịch Covid-19 và những định hướng phát triển trong năm mới.

PV: Xin chào bà! Bà đánh giá như thế nào về sự phục hồi của ngành du lịch của Tp.Đà Nẵng trong năm 2022?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Dự kiến, cả năm 2022, khách do cơ sở lưu trú phục vụ dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 2,9 lần so với năm 2021 đạt 100% so với kế hoạch UBND Thành phố giao. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 400 ngàn lượt, tăng 3,8 lần so với năm 2021, khách nội địa ước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 2,9 lần so với năm 2021. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2,6 lần so với năm 2021.

Đây là kết quả tích cực từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của đồng chí Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo UBND TP, HĐND Thành phố và nỗ lực rất lớn của các Sở ban ngành, địa phương trên địa bàn, cùng các doanh nghiệp du lịch cho mục tiêu khôi phục mạnh mẽ hoạt động du lịch trên địa bàn.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Tp.Đà Nẵng.

Để có được kết quả khôi phục mạnh mẽ của ngành du lịch như trên, kể từ ngày 15/3/2022, sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, Thành phố đã tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ, đầu tư các sản phẩm dịch vụ du lịch để thu hút khách, khôi phục thị trường.

PV: Bà có thể nói rõ hơn về các hoạt động giúp Tp.Đà Nẵng phục hồi nhanh về du lịch sau dịch Covid-19?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Thành phố đã tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Tp.Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản; đón các đường bay quốc tế đầu tiên từ Singapore,Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan; tổ chức đoàn xúc tiến du lịch tại Anh – Đức – Hà Lan; đón các đoàn famtrip, presstrip từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ…; đón đoàn 200 báo chí tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh khảo sát từ ngày 25-27/6; đón đoàn báo chí quốc tế có văn phòng tại Việt Nam; triển khai thực hiện chính sách thu hút các đoàn khách MICE đến Tp.Đà Nẵng; đón chuyến tàu biển du lịch Le Lapeurouse đầu tiên quay trở lại Tp.Đà Nẵng…

Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện đặc sắc, quy mô thu hút khách Lễ hội khinh khí cầu, Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á – Routes Asia 2022, Lễ hội tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022, Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2022 (trọng tâm là Giải Golf Phát triển châu Á-BRG Open Golf Championship Danang 2022)… Thành phố đã hỗ trợ hoạt động trở lại Chợ đêm Sơn Trà, Chợ đêm Helio, Show diễn Áo dài, Show diễn Hồn Việt (sau thời gian đóng cửa do dịch bệnh Covid-19).

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, ngành du lịch phải đổi mới, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị và tổ chức phục vụ du lịch; sự cạnh tranh điểm đến trong nước và quốc tế.

Tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Tp.Đà Nẵng về du lịch nghỉ dưỡng và MICE vào tháng 12/2022; Tổ chức Chương trình trao đổi chia sẻ thông tin và các món ăn, ẩm thực đặc trưng của thị trường Ấn Độ và Trung Đông cho các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn; tổ chức các sự kiện văn hoá và du lịch đặc sắc định kỳ để thu hút khách; tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không, cảng hàng không để xúc tiến khôi phục và mở thêm các đường bay quốc tế đến Tp.Đà Nẵng gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia, Ấn Độ, Đài Loan; xúc tiến khai thác du lịch đường biển đến Tp.Đà Nẵng.

Các sản phẩm dịch vụ, du lịch đã được nâng cấp, đầu tư mới, đưa vào phục vụ khách như Đường tranh Bích Họa (phường Mân Thái, Sơn Trà), Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai, homestay Zơ Râm Thị Hồng (xã Hòa Bắc), Bãi biển đêm Mỹ An, Phố du lịch An Thượng, Công viên APEC (mở rộng), khai trương Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa (khu khách sạn cao cấp); đưa vào hoạt động cửa hàng Lotte Duty Free tại Trung tâm thương mại Vvmall (cửa hàng miễn thuế nội địa trong Thành phố đầu tiên tại Việt Nam);

Tổ chức Tour trực thăng, công bố tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa từ bến CT15 đi Hòn Sụp – Bãi Nam – Bãi Đa; tăng thời gian trình diễn Cầu Rồng phun lửa, phun nước (tăng từ 2 đêm lên 3 đêm vào các buổi tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần); hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cấp và bổ sung thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, sự kiện mới , góp phần thu hút du khách đến Thành phố sau dịch bệnh Covid-19.

PV: Thưa bà, với sự phục hồi, phát triển du lịch nhanh sau dịch bệnh, có lẽ, công tác xã hội hoá trong năm qua cũng có những đóng góp không ít?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đóng góp cho khôi phục du lịch Thành phố đã được các tập đoàn lớn tích cực tham gia đăng cai tổ chức các sự kiện thu hút khách, quy đổi ước tổng kinh phí khoảng 66,3 tỷ đồng Tập đoàn Sun Group tài trợ tổng kinh phí quy đổi tương đương 34 tỷ đồng để thực hiện quảng bá du lịch Tp.Đà Nẵng liên tục 3 tháng trên kênh VTV1 giờ vàng và đăng cai tổ chức Lễ hội carnival đường phố, chương trình đại nhạc hội, chương trình âm nhạc điện tử;

Tập đoàn BRG tài trợ đăng cai giải Golf Phát triển Châu Á tại Tp.Đà Nẵng năm 2022 gồm tiền mặt và dịch vụ tương đương 10 tỷ đồng; Tập đoàn IPP tài trợ 4,5 tỷ đăng cai sự kiện Route Asia, các doanh nghiệp như ACV, AHT, các khách sạn Mikazuki, Hyatt, Golden Bay tổng giá trị tài trợ tiền mặt và dịch vụ quy đổi tương đương 21 tỷ đồng; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (AHT) đăng cai tổ chức lễ hội khinh khí cầu và tài trợ sự kiện Routes Asia tương đương số tiền 3 tỷ đồng...

Ngoài ra, riêng trong năm nay Thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và kích cầu du lịch thông qua chính sách miễn hoàn toàn vé tham quan 4 khu điểm du lịch lớn thuộc Thành phố quản lý (Bảo tàng Chăm, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ Thuật) với tổng lượt khách ước đạt 806.000 lượt và quy đổi tổng kinh phí miễn vé ước 31,4 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh đại diện Tp.Đà Nẵng nhận giải thưởng Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á năm 2022.

PV: Được biết, 2022 là một năm khó khăn cho ngành du lịch, nhưng năm qua về lĩnh vực này, Tp.Đà Nẵng đã được trong nước và thế giới công nhận bằng nhiều giải thưởng?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Thương hiệu của du lịch Tp.Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh với các giải thưởng, danh hiệu quốc tế như Top 21 điểm đến được yêu thích nhất Châu Á năm 2022 do Trang TripAdvisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) công bố; Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á (Đà Nẵng đứng thứ 3) của Giải thưởng du lịch châu Á 2022 do tạp chí Travel & Leisure (Mỹ) tổ chức và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022 của World Travel Award; Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) bình chọn Tp.Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI)...

Điều này đã cho thấy những nỗ lực của Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trong việc khôi phục lại hoạt động du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

PV: Có thể nói, ngành du lịch phát triển vượt bậc, khởi sắc trong năm qua. Riêng 2023 bà nhận định như thế nào về hoạt động du lịch?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Hiện nay, một số thị trường trọng điểm của Tp.Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các hạn chế số lượng khách quốc tế nhập cảnh cũng như hạn chế “du lịch tự túc” đã tạo cơ hội để kết nối các thị trường và thu hút khách từ các các thị trường truyền thống có thế mạnh của Tp.Đà Nẵng.

Với các nỗ lực làm mới các sản phẩm, không ngừng cải thiện nâng cao chất lượng phục vụ và không ngừng đổi mới sáng tạo, cập nhật xu hướng, thị hiếu khách du lịch trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, tìm kiếm khai thác thị trường, tiếp nối sự khởi sắc của việc khôi phục thị trường khách nội địa, du lịch Tp.Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tiếp tục khôi phục các thị trường khách quốc tế trong năm 2023.

Tp.Đà Nẵng phục hồi du lịch nhanh sau đại dịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Tp.Đà Nẵng cũng nhận diện một số thách thức trong thời gian đến như nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, lạm phát tăng cao, người dân các nước có xu hướng thắt chặt chi tiêu; tình hình chính trị căng thẳng ở một số nước khiến việc xúc tiến tại một số thị trường quốc tế gặp khó khăn; dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn và phát sinh dịch bệnh mới (đậu mùa khỉ); chính sách thị thực của Việt Nam hiện vẫn chưa thông thoáng như một số quốc gia khác;

Doanh nghiệp du lịch vẫn đang gặp khó khăn về nguồn lực; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ và diễn biến bất thường; xu hướng, tâm lý khách thay đổi do dịch bệnh và Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi ngành du lịch phải đổi mới, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị và tổ chức phục vụ du lịch; sự cạnh tranh điểm đến trong nước và quốc tế.

PV: Thưa bà, định hướng phát triển du lịch của Tp.Đà Nẵng trong năm mới như thế nào?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Phát huy các kết quả đạt được trong năm 2022, Thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch bắt đầu từ năm 2023, tổ chức triển khai hiệu quả Đề án định hướng phát triển du lịch Tp.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các đề án, kế hoạch trọng tâm phát triển du lịch. Hoàn thiện và triển khai Đề án phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ban đêm thông qua đôn đốc triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Tp.Đà Nẵng.

Tp.Đà Nẵng là thành phố của hàng loạt sự kiện.

Ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh các dự án trọng điểm động lực, đầu tư hạ tầng du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch mới; đầu tư, nâng cấp các khu, điểm du lịch (Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài; Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn...), bán đảo Sơn Trà, các bãi biển du lịch, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế… để đổi mới về sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng.

Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành sản phẩm du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, bổ sung dịch vụ tạo sản phẩm mới để phục vụ và thu hút khách.

Tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn để thu hút khách với các sự kiến dự kiến như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng năm 2023 và Giải Golf Phát triển châu Á 2023; các sự kiện MICE quốc tế, sự kiện ven biển, sự kiện văn hóa và thể thao... sẽ được tổ chức để tạo sôi động cho Tp.Đà Nẵng, phát huy thương hiệu “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á”.

Tập trung xúc tiến khách nội địa vẫn là thị trường chủ lực của du lịch Thành phố. Xây dựng và triển khai Kế hoạch triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Tp.Đà Nẵng; từng bước thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách tại khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông) và khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia), Ấn Độ, Châu Âu, Mỹ, Úc…; tập trung phân khúc khách có khả năng chi trả cao… Tiếp tục xúc tiến duy trì và mở các đường bay quốc tế mới, thu hút tàu du lịch đường biển quốc tế đến Tp.Đà Nẵng…

Cầu Vàng trở thành điểm check-in thu hút của du khách khi đến Tp.Đà Nẵng.

Tăng cường công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch ; truyền thông tour du lịch thực tế ảo trên nền tảng VR 360 và Scan 3D… Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các cơ chế, chính sách duy trì, khôi phục hoạt động kinh doanh của Trung ương và địa phương. Hỗ trợ tổ chức hoạt động hiệu quả Quỹ xúc tiến du lịch thành phố; hỗ trợ, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh. Đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn.

Xin cảm ơn bà!

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP