Trong nước

Tổng thanh tra: 'Tôi vừa nhậm chức, tin nhắn tố cáo đã đổ về điện thoại'

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên chấp nhận hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại.

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Bên cạnh hai hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp, dự Luật này bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.

Tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại nếu được thực hiện với trách nhiệm cao thì khuyến khích. Tuy nhiên, với thực trạng nguồn nhân lực hiện nay, áp dụng hình thức này có thể dẫn đến xử lý không kịp, không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

"Sau khi tiếp nhận đơn thư tố cáo thì phải xác minh, nhưng điện thoại đâu có chữ ký. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết bằng hình thức này sẽ khó cho các cơ quan có thẩm quyền. Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về điện thoại", ông Khái nói.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Q.H

Cũng đề cập đến vấn đề nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đơn tố cáo gửi bằng văn bản qua bưu điện hay thư điện tử thì đều có thể ghi rõ địa chỉ, tên tuổi người tố cáo. "Ta đang ở thời đại công nghệ 4.0, không lẽ trong luật Quốc hội ban hành lại đặt tố cáo qua điện thoại, email, fax ra bên ngoài?", bà Ngân đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thi thoảng bà cũng nhận được tin nhắn tố cáo và đã chuyển cho cơ quan chức năng. Ngay chiều qua 7/11, bà nhận được tin nhắn nêu rõ địa chỉ, tên tuổi, phản ánh việc thu hồi đất và tài sản của họ chưa đúng và người dân đã 3 lần gửi đơn tố cáo nhưng chủ tịch tỉnh chưa giải quyết. "Nội dung tin nhắn đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân", bà Ngân nói.

Theo lãnh đạo Quốc hội, bà đã chuyển ngay tin nhắn đó cho chủ tịch địa phương "chỉ bằng một cái bấm nút trên điện thoại", và còn chuyển tiếp cho Ban Dân nguyện để theo dõi.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, việc sử dụng công nghệ thông tin có hai mặt, nhưng ưu điểm nhiều hơn. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, đào tạo công dân điện tử..., hiện kể cả visa cũng cấp bằng điện tử để phục vụ người dân tốt hơn.

"Trong bối cảnh đó, nếu không sử dụng công nghệ để phục vụ cho hoạt động của chính quyền, nhà nước, người dân thì là việc không bình thường", ông Chính nêu quan điểm và bày tỏ tán thành tiếp nhận đơn thư tố giác bằng điện thoại, email, fax.

Ông Chính nói, số điện thoại có đăng ký nên việc xác minh rất dễ, hơn nữa người tiếp nhận thông tin phải biết phân loại.

"Đa số người tố cáo muốn giúp cơ quan chức năng phát hiện hành vi tội phạm. Họ ít nghĩ đến lợi ích cá nhân mà chỉ muốn làm sao xã hội được công bằng, trong sạch. Chúng ta nên khuyến khích", ông Chính nói.

Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương. Ảnh: QH

Xử lý cả người về hưu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu thực trạng, có nhiều vị lãnh đạo trước khi về hưu đã ký bổ nhiệm cán bộ rất nhiều, nếu không có cơ chế giải quyết thì bỏ sót sai phạm. "Cần bổ sung người đã nghỉ hưu vào Luật tố cáo để giúp nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức và có tính răn đe", ông Thanh nói.

Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương đồng tình cần xem xét việc đưa nội dung tố cáo đối với người về hưu vào luật, vì thực tế vừa qua có một số cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý.

Ngày 23/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Tác giả: Võ Hải - Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP