Cuộc sống

Tôi quen với đòn roi từ nhỏ và nỗi oán hận cứ tích tụ dần theo năm tháng...

Tôi, sau ám ảnh đau thương tuổi thơ đã thề không bao giờ đánh con, đã hiểu rằng giáo dục trừng phạt là một sự thất bại. Tôi hiểu ra mẹ đã rất đau khi đánh tôi, cũng như tôi đau đớn khi giáng đòn vào tay con.

Hôm qua, tôi đã đánh đòn đứa con gái ba tuổi.

Đó là lúc tôi đón hai con về sau giờ làm và đang lui cui chuẩn bị bữa tối với nỗi mệt mỏi thường trực, trong khi chồng tôi đang ngồi rảnh rang bấm điện thoại trên lầu. Thấy con bé giành đồ chơi và giơ tay đánh anh, tôi từ bếp lao ra phân xử bằng cách đập vào “cái tay hư” của cháu. Cú phát mạnh hơn dự tính. Vươn tay quá nửa đà, tôi đã biết mình sai, nhưng không kịp thu tay về nữa rồi. Cơn giận bung ra quá nhanh.

Lập tức, cùng tiếng khóc ré lên của con, tôi thấy tay mình ê buốt. Sờ vào đoạn giữa ngón trỏ, nơi đập mạnh nhất vào con, tôi thấy một cục cứng xuất hiện. Nỗi đau nhức lan tỏa. Có thể lực tác động quá lớn khiến một nhóm cơ bị sưng phồng đột ngột, chèn ép mạch máu. Nhưng ngay lúc đó, tôi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ nỗi sợ hãi ngập tràn...


Cơn đau của tôi và tiếng khóc của con khiến tôi chợt nhớ vết sẹo trên môi mình. Vết sẹo dài khoảng 2cm, xéo về phía má. Tôi vẫn gặp khó khăn mỗi ngày khi tô son bởi một lằn rãnh trắng khó mà dùng màu sắc lấp kín.

Hồi ấy tôi vừa vào lớp 10. Một ngày mùa đông lạnh giá, mẹ tôi giận bố tôi chuyện gì đó và đã càm ràm cả buổi. Khi tôi đánh vỡ một chiếc ly sứ, bà chuyển cơn giận sang tôi. Tôi cãi lại, đổ lỗi cho người đặt chiếc ly ở vị trí không an toàn. Mẹ chính là người đặt chiếc ly ấy, nên cơn giận của mẹ hừng hực. Tiện tay, mẹ cầm lon sữa bò trên bàn ném vào tôi. Giập mặt là từ chính xác với tôi lúc ấy. Bê bết máu, đau đớn, tôi tức tưởi chạy ra vườn. Mẹ không nghĩ tôi bị thương nặng tới vậy hay mẹ còn đang trong cơn giận dữ khôn nguôi nên cũng không “xuống nước” hỏi han.

Trong khu tập thể của chúng tôi và trong cả khu phố thời tôi sống, đòn roi là cách “nói chuyện” bình thường của người lớn với trẻ con. Tôi bị ăn đòn từ nhỏ, có những trận ầm ầm với tiếng la hét của cả con lẫn mẹ, có những trận âm ỉ tra khảo bằng roi khi mẹ bắt tôi nhận lỗi; có những trận nho nhỏ nhưng kèm những lời chì chiết, chê bai. Tôi được nghe câu “thương cho roi cho vọt” từ khi có nhận thức, nhưng thật tình, nỗi oán hận của tôi với đòn roi cứ tích tụ theo năm tháng.

Chẳng khi nào tôi hiểu được tình thương hay điều cha mẹ dạy dỗ gì trong những trận đòn ấy, tôi chỉ biết đó là sự trừng phạt. Mình quá tệ, mình quá ngu ngốc, mình quá hậu đậu, mình quá xấu xí… trên tất cả, mình không đáng có mặt trên cuộc đời này... vì thế mình phải bị trừng phạt. Suy nghĩ đó miệt mài theo những bước chân tôi khi đi chợ mua rau, khi bước chân tới trường, khi lặn lội trưa nắng khắp các bãi hoang và hồ rộng kiếm rau cho heo ăn...

Nhưng vết thương trên miệng tôi không còn là sự oán hờn nữa, nó là sự bùng nổ hận thù. Tôi muốn bỏ nhà ra đi, muốn thoát khỏi cảnh đòn roi. 15 tuổi đã biết thương xót cho nhan sắc, tôi không dám nghỉ học, vẫn phải tới trường với chiếc khăn thấm máu chéo mặt, trong cơn lạnh tê tái mùa đông.

Tôi giãi bày với bạn là do mình bị ngã xuống bậc thềm. Vết thương lên mủ nhẹ. Mẹ lặng lẽ quan sát tôi, nhưng vẫn không hỏi han gì, không biểu hiện. Giữa mẹ và tôi là một cuộc chiến thách thức như muốn phía bên kia thừa nhận sự thất bại.

Tôi lấy chồng sớm vào năm 18 tuổi. Theo chồng là cách tôi bước ra thế giới rộng lớn và tự do, thoát khỏi cảnh đòn roi và những tiếng la khóc của đám em mỗi ngày. Đó là cuộc hôn nhân thất bại. Nên những cảm xúc bức bí làm tôi mệt mỏi. Trở về nhà, tôi thường xuyên đối diện với không gian lạnh lẽo, với người đàn ông vô cảm.

Có lẽ con trẻ luôn là biểu hiện hạnh phúc của một cặp vợ chồng. Tôi, sau ám ảnh đau thương tuổi thơ đã thề không bao giờ đánh con, đã hiểu rằng giáo dục trừng phạt là một sự thất bại. Tôi hiểu ra hẳn mẹ đã rất đau khi đánh tôi, cũng như chính tôi đau đớn vô cùng khi giáng đòn vào tay con.

Tay tôi, nếu không u lên vì bị chẹn mạch máu, thì tôi cũng vẫn có nỗi xót xa khác trong lòng, bởi đứa trẻ chính là thứ tôi yêu hơn cả máu thịt mình. Nhưng có những ẩn ức bất hạnh và nỗi giận hờn người đàn ông của mình cứ như lũ tràn, khiến tôi nhiều khi không kiềm chế nổi cơn giận.

Thấy tôi rên rỉ xoa bóp ngón tay, con gái bé bỏng ngừng khóc hỏi: “Mẹ có đau không?”. Tôi kéo con vào lòng, rờ rẫm vết đỏ trên bàn tay cháu, kiểm tra từng mi-li-mét da thịt, nắn bóp xem con có thương tổn gì không. Tôi thở phào khi cháu lắc đầu nói: “Con hết đau rồi”. Ôm con, kề mũi lên mái tóc hoe vàng, chua chua, tôi biết con đã tha thứ cho tôi. Nhưng những sợi tóc mỏng chạm vào vết sẹo trên môi tôi, như một lời nhắc nhở...

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP