Tin địa phương

Toàn cảnh 'siêu thành phố' miền Trung khi hợp nhất Đà Nẵng - Quảng Nam

Sau hợp nhất, TP. Đà Nẵng mới có diện tích tự nhiên hơn 11.867km2, quy mô dân số hơn 3 triệu người. Trung tâm chính trị - hành chính sau khi hợp nhất đặt tại quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng hiện nay).

TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất hợp nhất thành một thành phố trực thuộc Trung ương, lấy tên gọi là TP. Đà Nẵng. Trung tâm chính trị - hành chính sau khi hợp nhất đặt tại quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng hiện nay). Ảnh: N.T

TP. Đà Nẵng mới có diện tích tự nhiên hơn 11.867km2, quy mô dân số hơn 3 triệu người và 94 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa). Thành phố mới sẽ trở thành một trong những địa phương có diện tích và dân số lớn trên cả nước. Ảnh: N.T

Sau khi sáp nhập, dự kiến trụ sở làm việc của các sở, ngành, đơn vị đặt tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng hiện nay và một số cơ sở nhà, đất còn trống trên địa bàn TP nhằm tận dụng cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp có sẵn để làm việc… Ảnh: N.T

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, sau sáp nhập, ngành du lịch nói riêng và các ngành kinh tế khác của Đà Nẵng nói chung sẽ tạo được dư địa mới, năng lượng mới, không gian mới và nội lực mới để phát triển. Ảnh: N.T

Ông Dũng nhìn nhận, thành phố mới sẽ sở hữu hệ sinh thái sản phẩm hiếm có, như: du lịch biển - đảo, du lịch núi rừng, văn hóa - tâm linh, di sản - đô thị cổ, sinh thái - nông nghiệp, nghỉ dưỡng cao cấp… Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa lợi thế biển - đồng bằng - cao nguyên, hội tụ hai di sản thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: N.T

Còn ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng đánh giá, sau sáp nhập, TP. Đà Nẵng mới không chỉ tăng về quy mô mà còn mở ra dư địa phát triển chưa từng có, nhất là trong ngành du lịch, công nghiệp, dịch vụ logistics và phát triển hạ tầng. Ảnh: N.T

Đà Nẵng thiếu quỹ đất phát triển công nghiệp, hạn chế không gian mở rộng đô thị… đã cản trở tốc độ vươn mình. Còn Quảng Nam với lợi thế đất đai rộng lớn, dân cư phân bổ hợp lý và tiềm năng tài nguyên dồi dào chính là "cánh tay nối dài" lý tưởng cho chiến lược mở rộng không gian phát triển Đà Nẵng. Ảnh: N.T

Về hạ tầng, liên kết vùng được nâng tầm với sự cộng hưởng từ cảng Tiên Sa, Liên Chiểu, Kỳ Hà; sân bay Đà Nẵng và Chu Lai; các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Đà Nẵng - Quảng Ngãi... Ảnh: N.T

Đà Nẵng mới trở thành đầu mối giao thông, logistics đa phương thức, phục vụ cả hàng hóa và hành khách quốc tế. Ảnh: N.T

"Hiện, Quảng Nam còn rất nhiều quỹ đất chưa khai thác. Việc tận dụng các vùng đất này để phát triển công nghiệp hỗ trợ, khu công nghệ cao… sẽ là lời giải cho bài toán mở rộng không gian sản xuất - điều mà Đà Nẵng luôn thiếu hụt" ông Bình cho hay. Ảnh: N.T

Tác giả: Nguyễn Tri

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP