Xã hội

Tình yêu lấp lánh suốt 14 năm chồng Nam chăm vợ Bắc ung thư tủy

Thương nhớ cô công nhân nghèo bị ung thư tủy, chàng trai 22 tuổi quê Tiền Giang đã tìm ra tận Nghệ An để chăm sóc, giành giật sự sống cho cô. 14 năm qua, mối tình đẹp này đã viết nên những câu chuyện kỳ diệu.

Giật sự sống từ tay tử thần
Đang làm công nhân ở Bình Dương, năm 2000, Nguyễn Thị Phương (21 tuổi, quê xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bị ung thư tủy. Khi Phương đang điều trị tại bệnh viện ở TP.HCM thì gặp Trương Văn Chín, chàng trai quê ở Cái Bè, Tiền Giang. Hai người quen rồi yêu nhau.
Sau gần một năm gõ cửa nhiều bệnh viện, Phương tuyệt vọng trở về quê chờ chết.
Video: Người chồng Nam suốt 14 năm bên giường bệnh chăm vợ
Vài tháng sau, Chín đón xe đò ra Nghệ An, lặn lội lần theo địa chỉ mơ hồ còn trong trí nhớ do người yêu kể, lần tìm về quê Phương ở xã Nghĩa Dũng. Sự xuất hiện bất ngờ của Chín khiến Phương khóc vì xúc động. Lúc này, đôi chân của cô đã teo lại. Mấy ngày sau, Chín xin bố mẹ Phương cho mình đưa Phương trở lại Sài Gòn để tiếp tục chạy chữa cho Phương với hy vọng "còn nước còn tát". 6 tháng trời ròng rã, ban ngày, Chín đi làm thuê, tối lại đến bệnh viện chăm sóc người yêu. Nhưng căn bệnh hiểm này không nơi nào chữa được, cuối cùng, Chín đành nuốt nước mắt đưa người yêu trở về.
14 năm giành giật sự sống cho người yêu 1
Căn nhà mơ ước được Chín làm bằng tre để tặng Phương vào năm 2006 khi Phương đang chống chọi với bệnh u tủy.
Về nhà Phương, Chín quyết định ở lại lâu dài để chăm sóc Phương. Cả gia đình cô sửng sốt vì quyết định này, khuyên Chín về nhưng anh không chịu. Lúc này, Phương đã là một phế nhân, đôi chân hoàn toàn bất động, sức khỏe ngày càng yếu, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác. Từ đó, Chín trở thành người tri kỷ, suốt ngày đêm bên Phương tận tâm chăm sóc cô như người mẹ chăm sóc con thơ. Sự tận tụy của Chín khiến gia đình Phương và cả xóm Gia Đề cảm kích. Ông Nguyễn Công Lan, bố Phương, nói ông nhiều lần khóc vì xúc động khi thấy Chín quyết gắn chặt với đứa con tàn phế đang chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo này. Ông cứ khuyên Chín về quê để lo tương lai, nhưng Chín không chịu, nói “Phương còn sống thì con chưa về”.
Một ngày gần cuối năm 2006, khi câu chuyện tình xúc động này được đăng trên Thanh Niên, lương y Nguyễn Hữu Khai (lúc đó đang là ông chủ Tập đoàn Đông dược Bảo Long ở Hà Nội) đã cùng các lương y của Bệnh viện Bảo Long đưa xe cứu thương vào nhà Phương thăm rồi chở Phương ra Hà Nội chữa trị miễn phí, với hy vọng duy trì sự sống cho Phương bằng đông y.
14 năm giành giật sự sống cho người yêu 2
Ngày cưới của Chín và Phương
Phép màu

"Em sẽ sống. Em phải cố, không được đầu hàng. Em khỏe lên, chúng ta sẽ về nhà với con, em có nhớ con không?". Anh Trương Văn Chính

Từ một cơ thể tiều tụy như cái xác khô chỉ nặng 27kg, vài tháng sau, các loại đông dược đã giúp Phương hồi phục dần. Một năm sau, điều kỳ lạ đã xảy ra khi Phương được chẩn đoán đã mang thai. Tin này làm chấn động cả bệnh viện, ngay các lương y ở đây cũng sửng sốt vì trên cơ thể mà nửa phần dưới đã “chết”, teo tóp, bất động đến mức tiểu tiện cũng phải qua ống xông bên hông mà vẫn hình thành được thai nhi là điều rất khó tin. Đám cưới của Chín, Phương được tổ chức sau đó ngay tại bệnh viện. Đây là một sự kiện vui chưa từng xảy ra tại bệnh viện này.
Khi cái thai được 8 tháng, Phương được đưa đến Bệnh viện Sơn Tây để bác sĩ theo dõi, chăm sóc để chuẩn bị mổ đẻ. Điều bất ngờ tiếp tục xảy ra, khi các bác sĩ đang lo lắng cho ca mổ này vì sức khỏe của Phương rất yếu thì Phương lên cơn đau và đẻ thành công. Khi nhìn bé trai cân nặng 2,1kg được sinh ra từ cơ thể yếu ớt, được coi như đã “chết” này, các bác sĩ, y tá đều trố mắt kinh ngạc. Vợ chồng Phương vô cùng hạnh phúc khi đứa con ra đời như một mầu nhiệm.
Năm 2011, sau 4 năm được Bảo Long cưu mang, Phương khỏe hơn và đã thắng được thần chết, vợ chồng Phương về quê. Hai vợ chồng được bố mẹ Phương cho mảnh đất trong vườn, xây một căn nhà nhỏ. Một tổ ấm hạnh phúc như họ mong ước đã ra đời. Trương Bảo Phúc, cậu bé được sinh ra như một phép màu cũng lớn dần, lanh lợi, hiếu động và hiện đã là cậu bé 8 tuổi. Nhớ lại ngày tháng giành giật với thần chết đang rình rập ngay cạnh giường, Phương nói đó là những ngày rất khủng khiếp. “14 năm nay, anh Chín đã phải hy sinh rất nhiều để giành sự sống cho em. 14 năm nay, em chưa từng nghe thấy tiếng thở dài của anh ấy. Nhiều lúc em nghĩ mình chỉ còn 1% hy vọng sống nhưng anh ấy đã giúp em vượt qua được”, Phương nói.
14 năm giành giật sự sống cho người yêu 4
Vợ chồng Chín, Phương và con trai Bảo Phúc trước khi nhập viện điều trị tràn dịch phổi
Thử thách mới

" Nhưng em tin, Phương sẽ vượt qua được. Có khổ mấy, em cũng chịu được và không bao giờ muốn mất cô ấy, anh ạ!" . Anh Trương Văn Chính

Giáp Tết Nguyên đán vừa rồi, Phương phải nhập viện tỉnh vì tràn dịch phổi. Điều quái ác là toàn bộ chất dinh dưỡng nuôi cơ thể cứ tràn ra cái lỗ thủng này. Sau hơn một tháng trời chống chọi ở bệnh viện bằng những giọt đạm truyền vào tĩnh mạch, cô đã suy kiệt trong khi cái lỗ thủng ấy ngày càng rộng ra.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật để bịt cái lỗ thủng ấy nhưng do Phương vì sức khỏe của Phương yếu nên chưa thể tiên liệu có thành công hay không.
Hơn một tháng nay, Chín chưa ngày nào rời bệnh viện. Anh vẫn tận tụy chăm sóc vợ như người mẹ chăm con thơ và cứ lặng lẽ lau nước mắt khi thấy vợ lên cơn đau.
“Nhiều đêm anh ấy không ngủ được tí nào. Nhìn anh ấy mắt quầng thâm mà em rớt nước mắt”, Phương kể với tôi. Ngồi bên cạnh, Chín mắng yêu vợ: “Anh không ngủ nhưng quen rồi nên anh vẫn khỏe, còn em, em cứ để tâm yên mà tĩnh dưỡng, lo làm gì”.
14 năm giành giật sự sống cho người yêu 5
Chín vẫn tận tâm chăm sóc vợ không một lời ca thán
Ngoài định mức bảo hiểm chi trả, gần 20 triệu đồng vay mượn để mua thêm thuốc, đạm cũng đã sắp hết. Từ khi cưới nhau, Chín hai vai gánh vác hai việc: chăm vợ và nuôi con, anh chỉ tranh thủ để làm thuê kiếm được ít tiền trang trải nên gia tài vợ chồng chẳng có gì đáng giá.
“Không biết lần này em có vượt qua được không chứ em thấy tệ lắm?”, Phương ứa nước mắt nhìn chồng. Chín nắm lấy bàn tay gầy guộc của Phương xoa xoa, nói: “Em sẽ sống. Bác sĩ nói tỷ lệ thành công là 80% mà. Em phải cố, không được đầu hàng. Em khỏe lên, chúng ta sẽ về nhà với con, em có nhớ con không?”. Phương gật đầu, nước mắt ướt tràn gò má.
Tiễn tôi ra hành lang bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Chín nói “em phải nói dối với Phương đấy. Bác sĩ bảo chưa thể tiên liệu được gì vì sức đề kháng của Phương quá yếu. Nhưng em tin, Phương sẽ vượt qua được. Có khổ mấy, em cũng chịu được và không bao giờ muốn mất cô ấy, anh ạ!”

Tác giả bài viết: Khánh Hoan Ảnh: K.Hoan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP