Xã hội

Tình yêu đâm chồi từ hai cuộc đời sứt mẻ ở làng phong Quy Hòa

Đinh Zit thủ thỉ với Ksor H'Veo: "Nếu không có bệnh này, chắc gì mình đã gặp nhau?". Cô vợ nghe xong cười duyên...

Chị làm bộ nguýt: "Ờ, nếu không bị, tui gặp ông làm cái gì". Tiếng nói cười của cậu con trai 5 tuổi líu lo xen vào làm những chuyện buồn như tan chảy.

Đơn độc trong sự kỳ thị và ghẻ lạnh, những bệnh nhân như Đinh Zit ở làng phong Quy Hòa (Bình Định) đã tìm thấy thương yêu với người cùng cảnh ngộ.

Đinh Zit quê ở xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang (Gia Lai). Anh cắt nghĩa, Zit trong tiếng Ba Na là số 10. Mười tháng là thời gian anh nằm trong bụng mẹ. "Chắc biết đời mình buồn nên trốn trong bụng lâu hơn", Zit nói.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn bé, Zit được một người bác cưu mang. Chàng trai có dáng người thấp đậm, nước da ngăm ngăm, đôi mắt sáng quắc được nhiều cô gái để ý. Hai mươi tuổi, anh cưới một cô gái cùng bản, sinh một con trai. Tưởng chừng hạnh phúc cứ thế mãi, nào ngờ căn bệnh quái ác khiến đời anh rẽ ngang.

Đôi bàn tay, bàn chân của Zit sau khi mắc bệnh phong. Ảnh: Phạm Linh.

Hai mươi năm trước, chỉ nghe đến bệnh "cùi" nhiều người đã khiếp sợ. Đến người vợ đầu ấp tay gối cũng bỏ Zit đi, để lại đứa con cho chị gái anh chăm sóc. Người làng thì hắt hủi, bảo mi hãy uống nước ở dưới cùng con suối, đừng tắm ở đầu nguồn, rồi đuổi Zit vào rừng sâu. Các anh chị em sợ anh buồn bực tìm đến cái chết nên cũng vào rừng theo.

Thầy bói bảo: "Mi nói bậy bạ bị Giàng phạt, mi mắc nợ phải trả cho Giàng". Tin lời, anh bán sạch đàn bò chục con và đất đai đổi lấy trâu làm lễ cúng. Nhưng cúng mãi cũng không khỏi bệnh, anh lại lâm cảnh trắng tay.

Cuộc sống của Zit chìm trong dày vò và u ám nhiều năm trời. Cho đến khi một bà xơ ở tu viện gần đó vào rừng tìm anh. Sau ba năm đem gạo, thuốc thang giúp Zit, bà khuyên anh xuống Bệnh viện Phong Quy Hòa chữa trị.

Chiếc nhẫn cưới 4.000 đồng

Làng phong Quy Hòa là một thung lũng cô lập dựa vào lưng núi, phía trước mặt là biển với những con sóng rì rào và rừng dương. Khung cảnh bình yên không khiến lòng Zit thôi dậy sóng, bên anh là những người đồng bệnh, những cuộc đời ê chề, sứt mẻ, đơn độc. Những ngôi mộ trong nghĩa trang dài thăm thẳm khiến lòng Zit trào lên nỗi sợ đơn độc, lo sợ chết đi trong lạnh lẽo, bị gia đình lãng quên.

Qua một đợt điều trị, Zit lại xin về Gia Lai với người thân. Ròng rã suốt 5 năm, anh chơi vơi giữa những chuyến đi về về, không sao xóa bỏ được mặc cảm và đơn độc. Thế rồi duyên số cho anh gặp Ksor H'Veo, cô gái Jrai cùng quê Gia Lai nhỏ hơn anh gần chục tuổi.

H'Veo bùi ngùi: "Cuộc đời này là buồn lắm rồi, không muốn kể nữa đâu". Nhưng ký ức khổ đau trong cô như một cơn mưa chực tuôn trào. "Chồng tui còn có anh chị em, người thân thương yêu chứ con này còn khổ hơn", H'Veo nói.

H'Veo, Zit và con trai 5 tuổi. Ảnh: Phạm Linh.

Mắc bệnh phong từ lúc 5 tuổi, người làng dị nghị xem H'Veo là một điều xui rủi. Bị mẹ ruột hắt hủi, H'Veo được một bà xơ đưa xuống làng phong Quy Hòa. Ngôi làng trở thành mái nhà, những y, bác sĩ, bà xơ thay cho đấng sinh thành, những người đồng bệnh trở thành người thân của cô.

Zit gặp H'Veo vào một buổi chiều khi anh ra suối bắt cá, bắt ốc, hai người đánh bạn làm quen. Một năm sau, H'Veo mạnh bảo hỏi: "Anh làm bạn trai em được không?". Zit gật đầu: "Được chứ". Zit bẽn lẽn: "Chẳng biết yêu nhau từ lúc nào, bọn mình cứ nhắn tin qua về vậy chứ chẳng có kỷ niệm gì đặc biệt".

Ngày cưới, nhà thờ vắng tanh, chỉ có cha xứ và vài người hàng xóm. Nhớ ra chẳng có lễ vật gì, Zit lục túi còn vài chục ngàn, anh chạy ra tiệm tạp hóa mua hai chiếc nhẫn, mỗi chiếc 4.000 đồng.

Chiếc nhẫn giả trở thành tín vật bện chặt hai cuộc đời trầy trật, xước xát. Cưới H'Veo, Zit không còn đi đi về về thường xuyên mà ở lại hẳn Quy Hòa cùng vợ. Căn phòng tập thể trở thành tổ ấm của hai vợ chồng.

Tình yêu ở lại

Zit thổ lộ bằng giọng thản nhiên, như đã quen xoay sở với thiếu thốn: Trợ cấp của hai vợ chồng một tháng cộng lại chỉ 500.000 đồng. Từ ngày cưới nhau, H'Veo đưa con gái riêng về ở, thêm đứa con chung của hai người là 4 miệng ăn.

Tiền học của con được miễn phí, nhưng còn sách vở, quần áo và những khoản khác, hai vợ chồng phải tự xoay sở. Bàn chân đã mất đi nhiều ngón, đôi chân bước đi khó nhọc, nhưng Zit không cho phép mình nghỉ ngơi.

Zit tưới cây trong bệnh viện để có thu nhập trang trải gia đình. Ảnh: Phạm Linh.

Sau nhiều năm nhận việc quét rác ở nghĩa trang, sức khỏe suy giảm, anh nhận việc tưới hoa trong khuôn viên bệnh viện. H'Veo kể khổ thay chồng: "Ảnh đi làm ngày kiếm 40.000 đồng thôi, thuốc thang, nhà ở đã có bệnh viện lo, thi thoảng gạo mắm thiếu thì có đoàn từ thiện".

Zit bảo, việc yêu và cưới H'Veo đã giúp anh khuây khỏa, tha thứ cho người đàn bà từng hắt hủi mình. "Vợ cũ tôi giờ đã nhận lại con, cũng không xa lánh mỗi lần tôi về quê nữa", anh trải lòng.

Sau nhiều năm xa con, mẹ H'Veo ân hận vì từng ghẻ lạnh đứa con gái xấu số. H'Veo đã về thăm quê mấy đợt. "Nói gì thì nói chứ máu mủ ruột rà không bỏ được", H' Veo nói.

Zit đặt tên cậu con trai 5 tuổi là KSor Guilơ, nghĩa là "Cuộc đời vòng vèo". Anh phân bua rằng không muốn con có một cuộc đời vòng vèo, mà để sau này gia đình, họ hàng nhận ra đây là con trai anh. "Cha nó đã có một cuộc đời vòng vèo như thế".

Dường như mơ ước hướng về cuộc sống bình thường, được gia đình và cộng đồng yêu thương chưa bao giờ nguôi ngoai trong Zit, trong H'Veo và những người chịu di chứng bệnh phong ở nơi này.

Bác sĩ Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Bệnh viện Phong Quy Hòa - cho biết bệnh phong lây chậm và khó lây. Việc lây bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như miễn dịch, tiếp xúc với nguồn bệnh. Bệnh không lây qua di truyền và tỷ lệ lây nhiễm trong gia đình rất thấp. Bệnh có thể chữa khỏi nếu tuân thủ phác đồ điều trị.

Làng phong Quy Hòa có 300 hộ với khoảng 1.000 người, phần lớn là những người đã hết bệnh, sạch vi khuẩn nhưng vẫn còn chịu di chứng.

Tác giả: Phạm Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: làng phong Quy Hòa , tình yêu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP