V.V.S, sinh viên (SV) năm 4 Trường ĐH Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), tỏ ra rất rành chuyện tín dụng đen trong giới SV. Theo S., ngoài "hỗ trợ tài chính" bằng cách nhận cầm tài sản, cho vay tín chấp…, một số kẻ còn có "chiêu" cho SV vay tiền mua điện thoại di động trả góp, "làm giùm" bảng lương…
Đủ cách "cắt cổ"
V.V.S giải thích: SV sẽ đứng tên mua điện thoại trả góp với lãi suất 0% - một hình thức hỗ trợ đối tượng này của nhiều cửa hàng điện thoại, trung tâm điện máy. Sau đó, kẻ cho vay sẽ mua lại điện thoại với giá thấp hơn 20%-30% để bán kiếm lời. Nếu SV không có tiền trả góp (để hưởng lãi suất 0% thì phải trả trong vòng 6 tháng - PV), kẻ cho vay sẽ trả hộ nhưng sau đó thu lại tiền của SV với lãi suất 4,6%/tháng trong 12 tháng.
Không chỉ thuê người dán quảng cáo, phát tờ rơi giới thiệu "hỗ trợ tài chính"…, hằng ngày, nhiều kẻ còn lân la quán xá chào mời sinh viên vay tiền Ảnh: ĐÌNH THI |
"Nếu lãi suất một tháng là 4,6% thì một năm lên đến 55%. Bạn gái em được chủ nợ dẫn đi mua điện thoại với giá 5 triệu đồng. Sau đó, bạn em giao điện thoại và nhận lại 4 triệu đồng từ chủ nợ. Hằng tháng, bạn em trả góp 645.000 đồng cho chủ nợ" - S. cho biết.
Theo S., thời gian gần đây, thêm một dịch vụ mới xuất hiện là "làm giùm" bảng lương để vay tiền. "Ví dụ, em cần 15 triệu đồng thì sẽ có người đứng ra làm giúp bộ hồ sơ, bảng lương để em đi vay và thu 2 triệu đồng. Em nhận lại 13 triệu đồng và phải trả góp với lãi suất 33%/năm, tương đương mỗi tháng trả 1,6 triệu đồng trong 12 tháng" - S. lý giải.
Vì sao lãi suất cho vay "cắt cổ" như vậy nhưng SV vẫn dính vào các dịch vụ này? Khi chúng tôi đang hỏi về thủ tục vay tiền tại một dịch vụ "hỗ trợ tài chính" gần ký túc xá Trường ĐH Nha Trang thì một nữ SV tên là P. cũng vào hỏi vay 1 triệu đồng. Sau khi P. nhận tiền, chúng tôi tiếp cận và hỏi về lý do vay. Cô ngượng ngùng: "Gia đình chưa gửi tiền kịp nên em vay tạm để chi tiêu. Biết là lãi suất cao nhưng bạn bè đứa nào cũng khó khăn nên em không biết vay ai...".
Không phải SV nào cũng có lý do chính đáng như P. Chúng tôi được biết không ít SV dính vào tín dụng đen đã phải ôm nợ rồi bỏ học. Trong đó, điển hình là H. - SV Trường ĐH Nha Trang, nhà gần trường - đã nợ số tiền cả gốc lẫn lãi lên đến gần 500 triệu đồng.
Một người bạn của H. cho biết vì trót nghiện cá độ bóng đá, SV này thường vay mỗi lần cả chục triệu đồng rồi "nướng" vào các trận đấu. Thua độ liên tục, số tiền H. vay nhiều nơi ngày càng tăng nhưng không thể trả.
"Những kẻ cho vay nhiều lần đến nhà H. đòi nợ, thậm chí đánh bạn ấy ngay trước mặt cha mẹ. Bà L., mẹ của H., nhiều lần phải trả nợ thay với tổng số tiền gần 500 triệu đồng thì cậu con trai mới được yên thân. Sau khi liên tục phải trả nợ cho quý tử, cha mẹ H. đành để con trai nghỉ học. Mới đây, cậu ta đã đi Nhật theo diện xuất khẩu lao động" - bạn của H. kể.
Nói đến chuyện "bùng" (không trả được) nợ của giới SV, V.V.S cho biết cách đây không lâu, một trường hợp khác là B., học năm 3 ĐH, cũng vì vay quá nhiều tiền từ các dịch vụ "hỗ trợ tài chính" để ăn xài rồi không thể trả nên phải bỏ học đi trốn. Thậm chí, một số nữ SV do ham chơi, đua đòi nên liên tục vay tiền, đến khi "bùng" phải chấp nhận "đi khách" kiếm tiền trả nợ…
Trốn chui, trốn nhủi
Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều SV biết rõ những quảng cáo "hỗ trợ tài chính" không đáng tin, có thể là những cái bẫy, nếu vướng vào thì sẽ trả lãi suất rất cao. Thế nhưng, nhiều SV do sa đà ăn chơi, chi tiêu không hợp lý, số tiền gia đình gửi hằng tháng không thấm vào đâu nên đành vướng vào vòng xoáy tín dụng đen. Đến khi không còn khả năng chi trả, họ đành bỏ học giữa chừng để trốn nợ.
Trong khi đó, chuyện vay nợ của anh Đặng Anh Dũng - quê huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng Chi nhánh TP Bảo Lộc - thì lại khác. Dũng cho biết gần 1 năm trước, trên đường đến trường, vì lỡ gây tai nạn giao thông nên anh buộc phải bồi thường cho người ta 5 triệu đồng. Với Dũng, số tiền này quá lớn, anh không dám báo cho gia đình hay sự việc nên đã bấm bụng vay 5 triệu đồng từ một dịch vụ "hỗ trợ tài chính".
"Tôi dự tính sẽ mượn bạn bè và chi xài tiết kiệm tiền cha mẹ chu cấp để trả số tiền đã vay. Thế nhưng, kế hoạch này bị phá sản bởi lãi suất tiền vay quá cao. Mỗi ngày tôi phải trả lãi đến 100.000 đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 1 tuần, tôi đã không thể xoay xở đâu ra tiền trả nợ. Thấy tôi chậm trả, chủ nợ liền cho người đến phòng trọ đòi. Cả tháng trời, tôi phải trốn chui, trốn nhủi. Sau đó, chủ nợ cho người đến tận nhà tôi buộc gia đình phải trả cả tiền gốc lẫn lãi gần 10 triệu đồng. Đây là bài học nhớ đời đối với tôi" - Dũng nhớ lại.
Trường hợp như Dũng đã là may mắn vì được gia đình chi trả số tiền vay nên vẫn tiếp tục theo học. Trong khi đó, Trần Anh Minh, cựu SV Trường CĐ Công nghệ - Kinh tế Bảo Lộc (khóa 2013-2015), đến nay vẫn chưa có được bằng tốt nghiệp cũng vì lỡ dính vào tín dụng đen, phải nghỉ học nửa chừng. Minh bức xúc: "Thực tế, đây là hình thức cho vay nóng với lãi suất rất cao. Nếu là SV mà gia đình không có điều kiện thì không thể trả nổi tiền vay, chỉ còn cách bỏ học để trốn nợ".
Kỳ tới: Không dễ xử lý
Thỏa thuận miệng Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các dịch vụ "hỗ trợ tài chính" cho SV đều tính lãi suất trên 0,5%/ngày và 150%-200%/năm. Khi SV vay tiền các dịch vụ này thì chỉ thỏa thuận miệng, không có hợp đồng cụ thể. Bên cho vay nắm giữ giấy tờ tùy thân của SV, hằng ngày cử người - thường là những tay giang hồ, có máu mặt - đến gây áp lực để đòi tiền lãi. Cũng có nơi làm giấy cho vay tiền nhưng không ghi mức lãi suất cụ thể mà chỉ thỏa thuận miệng. Trong khi đó, nhiều SV thường tự nguyện tìm đến các chủ nợ để yêu cầu vay mượn, không hợp tác với công an cũng như không đưa ra được giấy tờ chứng minh về việc vay lãi suất "cắt cổ". Vì thế, cơ quan chức năng rất khó xử lý. |
Tác giả: KỲ NAM - ĐÌNH THI
Nguồn tin: Báo Người lao động