Hầm trú ẩn Greenbrier, nơi từng là cơ sở an toàn cho các nghị sĩ Mỹ trong kịch bản bị tấn công hạt nhân, nay trở thành địa điểm tham quan. (Ảnh: Getty) |
Theo BBC, trong trường hợp bị đe dọa tấn công hạt nhân, Tổng thống Mỹ sẽ gần như ngay lập tức được đưa tới hầm trú ẩn bí mật. Ông Trump được cho là có khoảng 4 địa điểm an toàn như vậy, trong đó bao gồm 2 căn hầm được chính phủ Mỹ xây cất cho các tổng thống nằm ở khu vực gần Nhà Trắng và núi Blue Ridge, bang Virginia.
Ngoài ra, theo Esquire, Tổng thống thứ 45 của Mỹ còn sở hữu hầm trú ẩn tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Mar-a-Lago, bang Florida và một căn hầm khác ở dưới sân golf của ông tọa lạc tại West Palm Beach.
Theo ông Kenneth Rose, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Mỹ, các tổng thống Mỹ cần phải được đưa tới nơi an toàn để có thể lãnh đạo đất nước trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Theo cựu quân nhân lực lượng thủy quân lục chiến Robert Darling, người từng phục vụ trong căn hầm bí mật ở khu vực Nhà Trắng cho biết trong kịch bản tấn công xảy ra, chỉ Tổng thống Mỹ và một nhóm phụ tá thân cận được phép bước chân vào căn hầm bí mật.
Hầm trú ẩn ở Mount Weather. (Ảnh: Getty) |
Tổng thống Mỹ đầu tiên bày tỏ lo ngại về kịch bản chiến tranh hạt nhân là Harry Truman. Ông Truman đã thiết lập Cục Dân phòng Liên bang (FCDA) mà theo nhà sử học Christian Appy của trường đại học Massachusetts, động thái này như ngầm đưa ra thông điệp rằng: “Chiến tranh hạt nhân không phải là dấu chấm hết cho tất cả mọi người”.
Theo đó, FCDA có nhiệm vụ xây dựng khái niệm “công dân hạt nhân”, mà theo ông Appy, đây dường như là mong muốn của chính phủ Mỹ rằng các công dân hãy chuẩn bị cho viễn cảnh chạy đua hạt nhân có thể đến bất cứ lúc nào.
Từ đó, các cơ quan chính phủ bắt đầu xây dựng các hầm trú hạt nhân cho các quan chức, tạo nên mạng lưới hầm trú ẩn khắp quốc gia. Các cá nhân bắt đầu tính đến an nguy bản thân trong kịch bản tấn công hạt nhân xảy ra, trong đó có bà Marjorie Merriweather Post, chủ cũ của khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Ông Trump mua lại khủ nghỉ dưỡng vào năm1985. Ông Wes Blackman, người cùng ông Trump tham quan căn hầm thời điểm đó cho biết căn hầm khá tối và ẩm mốc, giường được gắn vào tường. Căn hầm sử dụng thiết bị bằng tay nhằm đưa dưỡng khí vào bên trong.
Hầm trú ẩn của các đời Tổng thống Mỹ
Đường dẫn vào hầm trú ẩn của cựu Tổng thống John F Kennedy. (Ảnh: Getty) |
Hầm trú ẩn ở khu vực Nhà Trắng bắt đầu được xây dựng dưới thời cựu Tổng thống Truman. Các quan chức thời điểm đó đã có tham vọng xây dựng một căn hầm có sức chứa bộ máy chính phủ. Tuy không có nhiều thông tin về căn hầm, nhưng ông Randy Sowell, một văn thư, cho biết nó dường như nằm cách Washington 80 km.
Trong khi đó, ngọn núi cao 534 m Mount Weather ở bang Virginia được cải tạo trở thành hầm trú ẩn khổng lồ cho Tổng thống Mỹ và các cố vấn. Mount Weather hiện đang được Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema) kiểm soát. Hầm này mở cửa hoạt động trở lại vào năm 2001 sau sự kiện khủng bố ngày 11/9.
Vào năm 1961, cựu Tổng thống John F Kennedy cũng cho xây dựng một căn hầm chống hạt nhân khác ở bang Florida được biết đến với cái tên khách sạn Detachment. Vào thời điểm đó, chính phủ Mỹ đã bỏ ra 97.000 USD để xây dựng công trình này. Tuy nhiên, hiện giờ công trình này có vẻ như đang bị bỏ hoang.
Theo BBC, tùy thuộc vào quy mô, mỗi hầm trú ẩn bí mật sẽ chỉ cho phép giới hạn số người được vào. Ví dụ như hầm Detachment có sức chứa tối đa 30 người, bao gồm Tổng thống, các trợ tá và bộ trưởng. Theo ông Darling, vào ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9, hầm trú ẩn ở khu vực Nhà Trắng đã đón cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney và phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, các cố vấn an ninh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và một số quan chức khác. Trong khi đó, căn hầm ở Mount Weather có diện tích lớn nhất và sức chứa hàng trăm người, thậm chí có cả khu vực cho báo chí.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí