Kinh tế

​Tiết kiệm: Chìa khóa tài chính trong cuộc sống hiện đại

Tiết kiệm, lập bảng chi tiêu hằng tháng, “kiềm chế” trước những khoản chi không cần thiết, đầu tư thông minh… là cách để các “tay hòm chìa khóa” vượt qua những mối bận tâm về chi tiêu.

Bội chi vì… 1.001 lý do chi tiêu

Với tính cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, ít khi “mạo hiểm”, phần lớn phụ nữ được giao nhiệm vụ giữ tiền để cân đối chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, bài toán thu - chi luôn không ngừng thách đố các chị em.

Có quá nhiều khoản tiền phải chi như tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền học của con, tiền sữa, tiền bỉm, điện nước, dầu ăn mắm muối bột giặt, tiền gas, tiền gạo, tiền Internet, tiền quần áo, tiền xăng xe, điện thoại, tiền mừng tiệc... Đó là chưa kể những khoản chi không tên khác hoặc những vấn đề phát sinh cần tiền bạc bất thình lình rất đau đầu.

Chị Trần Hồng Thu - một nhân viên văn phòng (Q.2, TP.HCM) - chia sẻ: “Chẳng bao giờ mỗi tháng mình dự trù chi bao nhiêu đó tiền là đủ vì lúc nào cũng có cái phát sinh. Chẳng hạn như tháng vừa rồi, đùng một cái chồng phải mổ ruột thừa, con gái thì xin thêm tiền đóng tiền ngoại khóa hè gì đó, ngót nghét cũng cả chục triệu rồi. Trong khi khoản gửi ngân hàng cố định chưa thể rút ra mà đó cũng là món tiền “bất khả xâm phạm”, chỉ dùng cho các kế hoạch lớn thôi, còn vay bạn bè thì lại ngại”.

Còn chị Dương Xuân An – nội trợ (Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Mỗi tháng tôi đều phân ra khoản chi “cứng” và “mềm” nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng vừa khít, nhất là mấy khoản phát sinh đột xuất, nếu không có tiền thưởng “nóng” của chồng ở công ty chắc đi vay rồi”.

Bài toán tài chính thông minh chưa bao giờ nhẹ gánh với chị em phụ nữ

Chìa khóa tiết kiệm

Nhiều chị em chia sẻ để đề phòng thâm hụt ngân sách, cần lập bảng theo dõi chi tiêu hằng tháng, việc này giúp họ “phanh” các khoản chi bất hợp lý kịp thời. Mặt khác, hạn chế lạm dụng thẻ tín dụng cũng như “kiềm chế” trước các chương trình khuyến mãi cũng là cách.

Thực tế, nói về việc chi tiêu thì nhiều gia đình với thu nhập cả hai vợ chồng xấp xỉ 20 triệu mỗi tháng cũng phải “than trời” nhưng cũng có trường hợp thu nhập cả nhà chỉ suýt soát 10 triệu nhưng vẫn có thể để dành được một khoản. Do đó, vấn đề ở đây còn nằm ở cách tiết kiệm.

Tiết kiệm – chìa khóa tài chính “lợi hại” mà chị em nên tham khảo

Hình thức tiết kiệm phổ biến nhất là gửi ngân hàng. Các gia đình chỉ cần trích ra một khoản tiền nhỏ để gửi tiết kiệm ở một ngân hàng uy tín, cho dù lãi suất thấp nhưng ổn định. Thông thường, khoản gửi này chỉ được rút ra cho những kế hoạch lớn như: mua nhà, mua xe, cho con ăn học… Nhưng thực tế, những khoản “cơi nới” hay phát sinh bất chợt đôi lúc làm mọi người ngại phải đi gửi vào ngân hàng, chưa kể lãi suất chưa đủ hấp dẫn. Mặt khác, nếu đem tiền này đi đầu tư thì cũng lắm rủi ro, đặc biệt là phụ nữ, vốn không có thế mạnh.

Ngoài ra, còn có một phương pháp tiết kiệm rất hữu ích và có lịch sử lâu đời trên thế giới: được gọi là vòng quay tiết kiệm, có thể hiểu đơn giản là huy động vốn từ những người bạn tin cậy với thông tin minh bạch. Nó sẽ giúp đỡ rất nhiều về mặt tài chính cho các gia đình trong những tình huống cấp bách nhất mà không phải vay ngân hàng với thủ tục rườm rà. Người tham gia sẽ góp ít tiền nhàn rỗi của mình, khi cần có thể “đấu giá” để nhận món tiền lớn góp chung của mọi người, sau đó trả dần. Còn trong tình huống không có phát sinh nào nằm ngoài tầm kiểm soát thì người tham gia sẽ nhận được lãi suất ở cuối kỳ đáo hạn.

Theo các chuyên gia tài chính, dành 30% số tiền kiếm được vào các khoản tiết kiệm là cách để các gia đình “đảm bảo cho tương lai”. Tiết kiệm nói chung và tiết kiệm nhóm nói riêng luôn là giải pháp tài chính an toàn, thông minh so với nhiều khoản đầu tư mạo hiểm khác, phù hợp với thói quen “năng nhặt chặt bị” của người Việt.

Tác giả bài viết: K.D

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP