Giáo dục

Tiếp tục tinh giản nội dung dạy học

Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp bối cảnh dịch bệnh.

10 môn học được điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ gần đây ban hành Thông tư 22 để áp dụng cho chương trình mới, quy định bốn bài kiểm tra định kỳ trong năm, trong đó hai bài cho một học kỳ (bài giữa kỳ và bài cuối kỳ). Hình thức kiểm tra có thể là trên giấy hoặc máy tính. Với bài kiểm tra trên máy tính, nhà trường xây dựng ma trận đề thi để đảm bảo đề thi khách quan, minh bạch, trung trực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Nếu có kết quả bất thường (như học bình thường đột nhiên đạt kết quả thi rất cao, hoặc học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém…) thì nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại. “Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến, tôi cho khá là minh bạch. Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập, khi đó học sinh có thể thực hiện tại nhà”, ông Thành nói.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, 10 môn học (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) được điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…

Theo ông Thành, song song với việc tinh giản nội dung, dạy học trực tuyến thế nào để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu. Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn dạy học qua mạng và trên truyền hình. “Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay”, ông nói.

Đường truyền, thiết bị

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, khó khăn lớn nhất của học trực tuyến chính là thiết bị và đường truyền. “Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo”, ông nói. Do đó, phương án khác trong kế hoạch dạy học được Bộ GD&ĐT đưa ra là hướng dẫn các trường thực hiện, tận dụng các bài giảng điện tử để học sinh chủ động học ở nhà.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông Internet đảm bảo cho hoạt động dạy học trực tuyến. Chiều 8/9, Bộ GD&ĐT nói rằng, Bộ TT&TT chưa có văn bản hồi đáp, nhưng hai bên sẽ thống nhất triển khai phương án hỗ trợ học tập trực tuyến cho học sinh trên toàn quốc.

Học sinh ở nhiều địa phương đang thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Tỷ lệ thiếu thiết bị lên tới 70% ở tỉnh Sơn La, 40% ở các vùng khó khăn thuộc tỉnh Nghệ An… Ở nhiều nơi thuộc tỉnh Đắk Lắk, gia đình học sinh không có tivi. Thậm chí Hà Nội, TPHCM cũng có hàng chục nghìn học sinh không có thiết bị để học tập online.

Tìm mua máy tính học online

Những ngày qua, nhiều phụ huynh ở Đồng Nai đôn đáo tìm mua máy tính cho con học trực tuyến. Anh Nguyễn Văn Soi (ở phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) có hai con đang học lớp 7 và lớp 11, nhưng chỉ đủ tiền mua một máy tính. Dù vậy, anh Soi rất vất vả mới mua được máy vì khu vực anh ở đang thực hiện giãn cách xã hội. Anh Phú, người bán máy tính cho anh Soi, nói rằng, kể từ đầu tháng 9, khi có thông tin cho học sinh học online, anh đã bán được hơn 20 chiếc laptop, hiện không còn máy để bán. Nhiều cửa hàng máy tính khác trên địa bàn cũng đang khan hàng, giá máy bị đẩy lên cao.

Theo kế hoạch năm học 2021-2022, Đồng Nai tổ chức khai giảng ngày 12/9; từ ngày 13/9, học sinh cấp tiểu học, khối lớp 6, khối lớp 10 học qua sóng Đài Phát thanh & Truyền hình Đồng Nai. Các khối học còn lại học trực tuyến.

Mạnh Thắng

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP