Trong vụ việc ông Bí thư tỉnh ủy vun vén để cất nhắc con trai bị phát giác và xử lý, một cựu Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy thừa nhận rằng mình cũng có liên quan và sẵn sàng chịu kỷ luật của Đảng. Thì ra ông thừa nhận rằng bản thân đã nể nang, duy tình vì người được quy hoạch là con Bí thư. Có lẽ đây là nhân vật đầu tiên trong các tập thể bị Ủy ban Kiểm tra TƯ phê bình, đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân khi đương chức.
Các bậc lão thành chỉ ra rằng, trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay, chống tham nhũng vật chất không quá khó vì tài sản, dinh cơ, xe pháo ăn tiêu … của kẻ tham nhũng nó lồ lộ ra đó. Có thể cấp ủy đảng không biết, chính quyền không hay nhưng dân biết, báo chí biết, thế nào cũng có cơ hội phát hiện nếu người đứng đầu quyết tâm chống tham nhũng thật sự. Tuy nhiên chống tham nhũng quyền lực luôn là một công việc khó khăn, phức tạp gấp bội vì người tham nhũng thường là người đứng đầu, khéo ẩn nấp trong boong- ke quy trình một cách tinh vi. Một khi quy trình bị biến dạng đòi hỏi phải quyết tâm, chính trực mới vạch ra được những lắt léo vụ lợi ẩn chứa đằng sau những văn bản lạnh lùng, cứng nhắc.
Hình minh họa |
Dư luận cán bộ đảng viên nhớ lại vụ chồng quy hoạch vợ làm phó để sẽ thay mình ở ngành thuế tỉnh nọ, vụ bổ nhiệm siêu tốc một nữ nhân viên “tiết hạnh khả nghi” bằng sự ưu ái không bao giờ trong sáng, vụ giám đốc Sở 30 tuổi nhờ là con người đứng đầu được dư luận nhìn nhận đấy không phải là chọn người tài mà là chon người thân.
Trong các vụ tham nhũng quyền lực cho con em, người thân, có vụ chìm xuồng nhưng có vụ được xem xét qua quýt cốt để báo cáo việc bổ nhiệm là đúng quy trình. “Con hơn cha là nhà có phúc” ! Hoàn toàn đúng nếu con cái quan chức có đức có tài lại bồi dưỡng đào tạo, rèn luyện thử thách để bổ dụng, cất nhắc công tâm. Không ai dám hồ đồ mà nói rằng con cái quan chức được bổ nhiệm đều có vấn đề.
Các bậc lão thành chỉ ra rằng “uy tín chính trị” cũng không thể giúp phòng ngừa, ngăn chặn “máu tham hễ thấy hơi quyền thì mê” của người đứng đầu. Họ âm mưu cài cắm con, em – thuộc hạ thân tín vào vị trí quyền lực mà họ có đủ thẩm quyền, họ ngang nhiên coi thường quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bất chấp luôn uy tín cá nhân mà họ tạo dựng khi chưa thoái hóa, biên chất, chưa suy thoái, chưa tự diễn biến. Thói cả nể, vào hùa, xu nịnh, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ thuộc quyền đã cản trở nhận diện tham nhũng quyền lực, đang “nối giáo” cho loại “giặc” này phát triển.
Hiện nay chúng ta vẫn chưa có các quy định để người đứng đầu tuyệt đối không được, không thể và không dám tham nhũng quyền lực để bổ nhiệm vợ, chồng, con cái, dâu rể, anh em ruột vào những vị trí thuộc quyền hoặc trong tầm điều hành chỉ đạo của mình.
Các chuyên gia khẳng định, trong các tội tham nhũng thì tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách gây di hại cả trước mắt và lâu dài. Cái giá phải trả cho tham nhũng quyền lực là suy yếu sự lãnh đạo, suy giảm lòng tin của người dân vào chế độ.
Tác giả: Bảo Dân
Nguồn tin: Báo Công lý