Chiếc xe bánh mì vẫn yên vị từ ngày dời về góc đường Cao Thắng. Ảnh: Tâm Di
Bánh mì Hòa Mã ra đời năm 1958 tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM). Cái tên Hòa Mã được đặt tên theo một ngôi làng ngoại ô Hà Nội. Vài năm sau đó, tiệm dời về đường Cao Thắng, quận 3 bây giờ và yên vị đến nay. Bạn sẽ dễ dàng tìm đường đến địa chỉ này khi quán lúc nào cũng nhộn nhịp ở một góc đường Cao Thắng.
Theo lời kể lại của nhiều người, đây là một trong những nơi có bánh mì thịt đầu tiên ở Sài Gòn được khai mở bởi hai vợ chồng người Bắc di cư vào Nam từ trước những năm 1950.
Không gian của quán không quá bề thế, chủ yếu bán cho khách mang đi, song nếu muốn ngồi lại, bạn có thể chọn không gian trong nhà hay dọc hẻm 53. Cạnh bên con hẻm lúc nào náo nhiệt bởi âm thanh xe cộ và tiếng người nói, hương vị bánh mì vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu sẽ khiến bạn ấn tượng. Ngồi ở đây thực khách sẽ được dịp vừa ngắm dòng người tấp nập vừa thưởng thức món ăn.
Quán có nhiều loại nhân bánh, song được yêu thích nhất là nhân thịt nguội và ốp la. Phần ốp la gồm ổ bánh mì dài khoảng một gang tay, ăn cùng chảo thức ăn nóng hổi, đầy ắp. Bên trong chiếc chảo nhỏ này là đủ thứ nguyên liệu hấp dẫn như trứng gà ốp la, thịt nguội, xúc xích, chả cá, chả lụa... Tất cả đều được chiên nóng cháy cạnh tỉ mỉ cùng với ít hành tây thái múi cau và dùng nóng với bánh mì.
Nếu là người ăn nhạt, bạn sẽ cảm thấy vị pate hơi đậm. Nhưng đã là đặc trưng thì khó lòng mà đổi đi được. Nhiều người ăn mặn một chút lại thích nêm thêm muối tiêu, xì dầu hoặc tương ớt để vị đậm đà hơn.
Một phần bánh mì ốp la đầy đủ. Ảnh: Tâm Di
Ban đầu, tiệm bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng đa số khách quen của quán là công nhân viên chức hoặc là sinh viên học sinh, nên có rất ít thời gian vào buổi sáng để ngồi thưởng thức một cách chậm rãi. Thế là bánh mì Hòa Mã có hẳn suất mang đi, rất tiện lợi.
Nhưng nếu đã ngồi lại mà thưởng thức, lượng thức ăn trong chảo nhiều đến mức, người thanh mảnh chỉ cần thưởng thức các thành phần trong chảo là đủ no. Chiếc chảo nhỏ ngút khói dọn ra bắt mắt với màu vằng của trứng, màu nâu của miếng thịt nguội, chả cá. Bên cạnh đó là chén đồ chua tươi mát kèm thêm ổ bánh mì giòn làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn.
Đồ chua ăn kèm cũng là yếu tố giúp món ăn tại đây được lòng thực khách. Đồ chua được chủ quán chế biến mỗi ngày nên có vị riêng không giống ở những nơi khác. Những miếng củ cải được thái thành từng lát lớn, không thái sợi. Cắn miếng cải bạn sẽ cảm nhận được vị chua dịu nhẹ thấm vào từng miếng và không bị ngán.
Giá cả ở quán cũng là một ấn tượng mạnh với nhiều người khi lần đầu tiên đến ăn. Một phần ăn dao động từ 40.000 đồng, phần thập cẩm có giá 48.000 đồng. Giá cả còn thay đổi theo yêu cầu của thực khách. Nhiều người sẽ thấy món ăn khá đắt so với giá ở nhiều nơi khác. Nhưng thử một lần nếm qua hương vị, ngồi tại quán dưới những tán cây xum xuê, bạn sẽ thấy số tiền ấy chẳng là bao so với hơn 50 năm đã đi qua.
Người trực tiếp đứng nhét từng miếng thịt ở Hòa Mã bây giờ là người con gái của ông bà chủ. Ảnh: Tâm Di
Ở Sài Gòn, khó có nơi nào sẽ khiến bạn cảm giác bình yên khi đâu đâu cũng là sự hối hả, nhọc lòng. Nhưng vào buổi sớm tinh mơ, ngồi tại Hòa Mã để nếm lại cái vị đã gắn liền với những ký ức một thời, bạn sẽ thấy thành phố an yên đến lạ.
Tác giả bài viết: Tâm Di
Nguồn tin: