Kinh tế

Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp bền vững

Dồn điền, đổi thửa tích tụ ruộng đất là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tại Nghệ An, công tác dồn điền đổi thửa được đẩy mạnh đã góp phần mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Nguyễn Văn Hậu ở huyện Thanh Chương ra đồng cày ải để chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới. Đây là diện tích đất ruộng 500 m2 liền vùng liền thửa mà gia đình ông được nhận sau khi dồn điền đổi thửa, còn lại 2 sào vẫn chưa thể làm đất bởi đồng xa và manh mún.
Ông Hậu cày bừa tại thửa ruộng nhà mình
Ông cho biết: Ruộng ở trong xã còn manh mún, một người chỉ được 30, hoặc 20 m2. Có khi cả làng bỏ hoang ruộng bởi không đáng công làm, bỏ công nhiều mà không có thu nhập, không có lợi nhuận.

Còn với hộ bà Nguyễn Thị Minh ở xã Xuân Tường huyện Thanh Chương, sau khi dồn điền đổi thửa, từ chỗ 3 sào ruộng nằm ở 4, 5 cánh đồng thì giờ đây đã được tập trung tại 1 cánh đồng. Bà cho hay: Hộ chúng tôi từ khi được dồn điền đổi thửa thì chúng tôi chăm sóc đồng áng cũng hiệu quả hơn. Canh tác thuận lợi, dễ dàng thuê mướn, không phức tạp như trước đây nữa.

Mấy sào ruộng "quy về một mối" giúp cho gia đình bà Minh canh tác thuận lợi hơn
Sau chỉ thị 02 và 08 của BTV Tỉnh ủy về “dồn điền đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả. Các thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn đã tạo điều kiện cho người dân đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Đình Đăng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn: Huyện Anh Sơn cơ bản 1 hộ nhiều nhất có 3 thửa, 1 đến 2 thửa có quy hoạch. Hiện tại nhờ có dồn điền đổi thửa mà năm vừa rồi mà huyện mua rất nhiều máy phục vụ nông nghiệp nên đã đưa được cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Huyện Anh Sơn đưa cơ giới hoa vào nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn Lập – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Sau dồn điền đổi thửa thì chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi như đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT. Liên kết sản xuất giữa hộ nông dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn từ đó tạo điều kiện cho việc liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm.

Nông nghiệp hiện đại phải gắn liền với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm thời gian lao động, chi phí nhân công. Vì thế, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất chính là bước đi quan trọng nhằm phát huy tiềm năng đất đai sẵn có, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP