Kinh tế

Thủy sản xuất khẩu vẫn khó bán nội địa

Doanh nghiệp khó đưa thủy sản chất lượng đạt tiêu chuẩn EU, Mỹ, Nhật để phân phối nội địa do gặp nhiều rào cản

Sự bất hợp lý của việc thủy sản đạt chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật… song lại không đủ chuẩn để tiêu thụ nội địa đã được các doanh nghiệp (DN) thủy sản kiến nghị tháo gỡ cả năm qua nhưng chưa được giải quyết dù đã có nhiều cuộc họp xung quanh vấn đề này.

Cần quy định ngưỡng

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại tiếp tục có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế có ý kiến để Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm sớm ban hành văn bản giao trách nhiệm ban hành quy định về giới hạn phân tích tối thiểu (MRPL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong hàng thủy sản tiêu thụ nội địa để kịp phục vụ mùa Tết.

Vướng mắc phát sinh từ đầu năm 2018 khi một số siêu thị từ chối các lô hàng thủy sản có chứa chloramphenicol (CAP - một chất cấm trong thủy sản) dù có hàm lượng rất thấp, dưới 0,3 ppb (đơn vị phần tỉ), đạt yêu cầu để xuất khẩu sang EU. Các DN cho rằng đây là sự bất bình đẳng, tạo ra nhiều khó khăn cho DN sản xuất thủy sản bán tại thị trường nội địa.

Theo giới chuyên môn, MRPL thực chất là yêu cầu tối thiểu để các phòng kiểm nghiệm áp dụng, là công cụ để đánh giá giữa các phòng kiểm nghiệm về mặt kỹ thuật. "Ví dụ, một mặt bàn được kết luận sạch, không tìm thấy bụi dưới mắt thường. Nhưng khi có kính lúp, người ta có thể thấy hạt bụi ở kích cỡ nhỏ hơn, rồi đến kính hiển vi lại phát hiện bụi ở kích cỡ nhỏ hơn nữa. Trong khi đó, về nguyên tắc, các mẫu kiểm tra chỉ tiêu chất cấm đều có chung yêu cầu xét nghiệm là "không phát hiện", "không tìm thấy". Năng lực kiểm nghiệm ngày càng tăng, càng chính xác thì khả năng phát hiện chất cấm với hàm lượng cực nhỏ. Điều này dẫn đến cùng một mẫu nhưng nếu gửi đến phòng kiểm nghiệm càng hiện đại thì khả năng sản phẩm không đạt càng cao. Do đó, cần quy định ngưỡng về MRPL để làm chuẩn. Thực tế, thực phẩm tồn dư một lượng chất cấm với một hàm lượng cực nhỏ vẫn an toàn cho người sử dụng" - một chuyên gia phân tích.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện chỉ có EU ban hành quy định ngưỡng về MRPL. Trong trường hợp kết quả phân tích mẫu có hàm lượng chất cấm dưới ngưỡng MRPL thì lô hàng vẫn được nhập khẩu để làm thực phẩm. Tuy nhiên, thông tin lô hàng này sẽ bị EU lưu vào hồ sơ, nếu các lô hàng tiếp theo có tình trạng tương tự sẽ gửi cảnh báo cho cơ quan thẩm quyền nước sản xuất ra lô hàng áp dụng biện pháp khắc phục và xử lý thích hợp. Trong quản lý an toàn thực phẩm, đây chỉ là lỗi nhỏ.

Trước thực tế trên, Bộ NN-PTNT cho rằng đây là vấn đề mới, chưa được quy định tại các văn bản hiện hành nên cần có ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm xem xét giao trách nhiệm cho Bộ Y tế hoặc bộ chuyên ngành nghiên cứu quy định về MRPL trên cơ sở tham khảo quy định của EU.

Theo các DN, Việt Nam nên sớm liên thông tiêu chuẩn với quốc tế để DN không mất cơ hội, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

xuất khẩu

Quy định hiện hành gây khó cho thủy sản bán vào hệ thống siêu thị trong nước dù chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: TẤN THẠN

Chủ yếu kiểm tra trên giấy

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (GODACO, tỉnh Bến Tre), DN xuất khẩu cá tra với nhiều năm kinh nghiệm ở các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật - than khó khi phát triển thị trường nội địa vì thủ tục quá phức tạp. "Ngành chế biến thủy sản của Việt Nam đã đạt trình độ cao, nhà máy sạch theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Cá tra nguyên liệu thì truy xuất nguồn gốc từ cá bố mẹ, thức ăn, con giống đến ao nuôi, ngày thu hoạch, thời điểm chế biến đến đường vận chuyển, kệ hàng siêu thị ngoại. Siêu thị ngoại cử chuyên gia đến "nằm vùng" tại DN để kiểm tra thực tế, còn bán lẻ trong nước chủ yếu đòi hỏi chứng từ. Thủ tục, giấy tờ nhìn qua tưởng dễ nhưng DN làm hoài không xong. Công ty CP Gò Đàng phải mất 2 năm để đưa hàng vào siêu thị trong nước sau nhiều lần hồ sơ rớt từ vòng ngoài" - ông Đạo dẫn chứng.

Theo bà Ngô Thị Thức, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PNT), thời gian qua, một số DN thủy sản xuất khẩu gặp vướng mắc khi phân phối nội địa liên quan đến thủ tục đưa sản phẩm lưu hành ra thị trường. Nguyên nhân do hệ thống quản lý chất lượng để phục vụ xuất khẩu khác với nội địa gây khó cho DN. Hy vọng trong tương lai, khi các vướng mắc được giải quyết sẽ thúc đẩy DN phát triển thị trường nội địa.

Rào cản về thói quen tiêu dùng

Tập quán tiêu dùng của người Việt thích hàng "nóng", tươi sống là rào cản lớn đối với các sản phẩm đông lạnh của DN chuyên xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, khẩu vị của người Việt cũng khác hẳn với các nước EU, Mỹ nên DN phải đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp cho thị trường trong nước. Từ trước tới nay, các DN xuất khẩu chuyên bán sỉ, không có chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nên khi bán lẻ ở thị trường nội địa, dù DN có uy tín trong ngành nhưng người tiêu dùng vẫn chưa biết đến.

Tác giả: NGỌC ÁNH

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: thủy sản , xuất khẩu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP