Thượng tướng, PGS Tiến sỹ Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng tiếp tục phân tích nhiều khía cạnh của chuyến viếng thăm đầy ý nghĩa.
- Chắc hẳn ông cũng theo dõi kỹ bài phát biểu của Tổng thống Obama ở Trung tâm hội nghị Quốc gia, thưa Thượng tướng?
Đúng vậy. Tôi theo dõi rất kỹ bài phát biểu này, từng câu chữ một và nhận ra ông Obama là người thông minh, dẫn dắt vấn đề hết sức khúc chiết và rất khôn khéo.
Thượng tướng Võ Tiến Trung
Khi Tổng thống Mỹ nói: “Vào một thời điểm khác, lý tưởng chung và lịch sử chống thực dân có thể đã đưa chúng ta xích lại gần nhau, thế nhưng Chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ với chủ nghĩa cộng sản đã đẩy chúng ta tới một cuộc chiến”, ông Obama gần như đã thừa nhận việc bình thường hóa quan hệ muộn màng là do người Mỹ.
Nếu ông ấy nói thêm ‘Nhân danh Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tôi xin lỗi Việt Nam’ thì tôi sẽ đánh giá Obama là Tổng thống xuất sắc nhất, anh dũng nhất và vĩ đại nhất của nước Mỹ.
Tuy nhiên, vì là nước lớn, là cường quốc nên ông ta chưa thể nói điều đó, nhưng tôi tin rằng trong tương lai, sẽ có một Tổng thống Mỹ nói lời xin lỗi Việt Nam.
- Câu nói ‘Giữ điều tốt đẹp nhất đến cuối cùng’ của ông ta khi trả lời báo giới có hàm ý gì không, thưa Thượng tướng?
Theo tôi, đó là một câu nói ngoại giao và chúng ta có thể tự hào về chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ Obama.
Sau nhiều năm cấm vận, diễn biến hòa bình nhưng Việt Nam ngày càng vững mạnh, có uy tín trên trường quốc tế, ở ASEAN và còn có vị trí địa chính trị quan trọng. Chính vì vậy, khi người Mỹ quyết định xoay trục chiến lược về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Washington không thể bỏ qua Việt Nam trong mối quan hệ đối ngoại của mình. Nếu Việt Nam không tự đứng vững và vươn lên, kinh tế chúng ta khó khăn, khủng hoảng thì người Mỹ có đến không?
Do đó, chúng ta có thể tự hào về những gì mình đã làm được và về chuyến thăm này của ông Obama.
- Khi Mỹ tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, ông có bất ngờ?
Đối với tôi, điều đó hoàn toàn không bất ngờ, tôi biết điều này sẽ đến từ lâu, chỉ tiếc người Mỹ quyết định hơi muộn.
Theo tôi, Washington hiểu rằng Việt Nam không dễ dàng trong việc mua sắm vũ khí của họ vì vậy, tuyên bố này mang tính chất ngoại giao và khẳng định rằng đã phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích 2 dân tộc.
Điều đó cũng cho thấy uy tín của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao và phía Mỹ cũng hiểu rằng mối quan hệ đối tác chiến lược chỉ trở nên thực chất khi lệnh cấm vận này được gỡ bỏ toàn toàn.
Ngoài ra, việc mua sắm vũ khí của Việt Nam hoàn toàn phục vụ mục đích phòng thủ, giữ gìn chủ quyền quốc gia, không gây chiến với nước thứ 3 nên Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là điều dễ hiểu.
- Thế nhưng Hoàn Cầu thời báo lại cho rằng việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận của Mỹ là cách Washington dùng để tăng cường khả năng ngăn chặn Bắc Kinh ở Biển Đông của Hà Nội?
Trung Quốc hoàn toàn nhầm lẫn khi nói như vậy, Việt Nam không ngăn chặn Trung Quốc ở bất cứ đâu mà chỉ bảo vệ chủ quyền của mình. Việc Việt Nam mua vũ khí của ai là quyền tự do của chúng ta và với mục đích tự vệ.
Trong khi đó, việc mua vũ khí của Mỹ chưa chắc đã là lựa chọn số một của Việt Nam vì giá thành cao và có nhiều điểm chưa tương đồng với hệ thống quân sự hiện có của chúng ta. Và việc sử dụng một loại vũ khí không tương thích có thể dẫn đến những nguy cơ bị đứt đoạn trong hiệp đồng tác chiến.
- Vậy ông nghĩ thế nào về tuyên bố của ông Obama ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông và tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam lần này với chiến lược xoay trục của Mỹ, thưa Thượng tướng?
Tôi rất hoan nghênh phát biểu này của ông Obama, Việt Nam rất rõ ràng trong vấn đề Biển Đông, chủ trương không làm căng thẳng phức tạp, giải pháp các vấn đề bằng con đường thương thảo hòa bình, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp hoàn toàn với Công ước của LHQ về luật biển.
Việt Nam rất quang minh chính đại, chúng ta có Biển Đông, dù đang bị nhiều phía xâm phạm chủ quyền nhưng không dùng quân sự để giải quyết vấn đề mà sử dụng các biện pháp thương thảo hòa bình nên Mỹ tuyên bố ủng hộ Việt Nam là điều dễ hiểu.
Về chiến lược tái cân bằng của Mỹ, mục tiêu của họ là bảo vệ an toàn tuyến hàng hải ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là khu vực Biển Đông mà Mỹ chiếm tỷ lệ cao, vì vậy Washington cần có chiến lược của riêng mình.
Mỹ xuất hiện ở Biển Đông cùng với các khí tài hiện đại, nhưng hoạt động đúng theo luật pháp quốc tế và nhằm mục đích tăng cường hòa bình, ổn định ở Biển Đông thì Việt Nam hoàn toàn ủng hộ.
Không chỉ Mỹ, mà Nga, Nhật, Ấn Độ, Australia hay Trung Quốc mà đến khu vực Biển Đông với tâm thế tôn trọng chủ quyền Việt Nam, hoạt động theo đúng luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình ổn định khu vực thì đều được ủng hộ.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Tùng Đinh (thực hiện)