Trong nước

Thương lượng bất thành, ông Huỳnh Văn Nén ra tòa đòi bồi thường oan sai

Do cuộc thương lượng lần thứ 3 giữa lãnh đạo TAND tỉnh Bình Thuận và đại diện gia đình ông Huỳnh Văn Nén về khoản tiền bồi thường oan sai cho ông bất thành, nên ông Nén sẽ phải kiện ra tòa để đòi bồi thường.


Ông Huỳnh Văn Nén phải kiện ra tòa để đòi bồi thường oan sai

Ngày 31/8, "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén (ngụ xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cùng các luật sư (LS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông đã đến TAND tỉnh Bình Thuận để thương lượng lần cuối việc bồi thường oan sai cho ông Nén. Đại diện cho phía TAND làm việc với ông Nén là bà Trần Thị Thiên Hương, Phó Chánh Tòa hành chính TAND tỉnh Bình Thuận

Tại buổi thương lượng, bà Trần Thị Thiên Hương nêu quan điểm tòa đã cho gia đình rất nhiều thời gian để thu thập bổ sung các chứng cứ, tài liệu cho yêu cầu của gia đình, tuy nhiên cho đến nay gia đình vẫn không cung cấp được chứng cứ. Mặt khác, thời hạn thương lượng bồi thường đã hết nên lần này nếu các bên không thương lượng được với nhau thì bên người yêu cầu bồi thường có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự.

“Tòa chỉ chấp nhận tổng cộng các khoản chi phí kêu oan của gia đình là 1,5 tỷ đồng (cụ thể ông Nguyễn Thận (người đi kêu oan) 700 triệu đồng, ông Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén) 500 triệu, ông Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể ông Nén) 300 triệu đồng”, bà Hương thông báo.

Tại buổi thương lượng, ông Nguyễn Thận đề nghị tòa cho thêm thời gian để được tiếp tục thương lượng việc bồi thường.

"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén cùng vợ, thầy Nguyễn Thận và luật sự Út trong lần đến thương lượng bồi thường oan sai tại TAND tỉnh Bình Thuận

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TPHCM) nêu rõ chi phí kêu oan của ông Nguyễn Thận, ông Huỳnh Văn Truyện, Huỳnh Trung Nghĩa yêu cầu là trên 5,6 tỷ đồng. “Các ông Thận, ông Truyện và ông Nghĩa có thể bỏ ra chi phí nhiều hơn số tiền này. Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn đã được bồi thường chi phí kêu oan hơn 1 tỷ đồng, còn đối với vụ án của ông Huỳnh Văn Nén kéo dài hơn nên yêu cầu số tiền này là hợp lý. Nghĩa vụ thu thập chứng cứ là trách nhiệm của tòa án theo điều 18 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chứ không phải của phía gia đình ông Nén. Quá trình kêu oan rất dài nên chúng tôi đề nghị tòa chấp nhận”, luật sư Phạm Công Út nói.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh cũng đề nghị cần thêm thời gian để củng cố tài liệu chứng minh thiệt hại nhưng TAND tỉnh Bình Thuận không chấp thuận vì cho rằng hết thời gian.

Sau buổi thương lượng, luật sư Phạm Công Út cho biết: “Sau khi thương lượng bất thành, gia đình, người thân ông Nén đã thống nhất với các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho “người tù thế kỷ” sẽ kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường oan sai. Đây là điều không ai muốn vì sẽ ảnh hưởng thêm uy tín của các cơ quan tố tụng”.

Đại diện gia đình ông Nén thông tin, sau buổi thương lượng với TAND tỉnh Bình Thuận bất thành, hiện gia đình ông Nén đã liên lạc với nhiều luật sư để nhờ bào chữa và dự kiến sẽ có khoảng 100 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ miễn phí tại phiên tòa giải quyết bồi thường oan sai cho ông Nén.

Ông Nén trong buổi xin lỗi công khai, trả lại quyền công dân vào cuối năm 2015

Như vậy, sau khi được giải oan, ông Huỳnh Văn Nén phải tiếp tục kiện ra tòa để được bồi thường oan sai. Trước đó ông Nén bị kết án giết bà Dương Thị Mỹ, Lê Thị Bông, bị ở tù trên 17 năm, nhưng sau đó được kết luận là bị oan trong cả 2 vụ án này. Ông Nén khai quá trình tố tụng đã bị mớm cung, nhục hình, tra tấn nên khai ra là hung thủ.

Mới đây TAND tỉnh Bình Thuận đã kết án hung thủ Nguyễn Thọ giết bà Lê Thị Bông 20 năm tù, còn hung thủ giết bà Dương Thị Mỹ vẫn chưa tìm ra.


Tác giả bài viết: Xuân Duy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP